hoànglonghải – Bèo giạt (2) – Phòng SB

1Về tới Bidong, như thủ tục, chúng tôi được đưa tới “Văn Phòng Lực Lượng Đặc Nhiệm Mã Lai”. Ở đậy, chúng tôi khai tên họ qua loa, sau đó đước đưa thẳng vào phòng SB (Special Branch) để khai báo sơ lược lý lịch. Nhân viên ở đây kêu từng người vào bàn làm việc của họ, hỏi lược qua quá trình.

Người phỏng vấn tôi, trước khi xếp hồ sơ, nói với tôi:

– “Ở đây đang cần người có khả năng như anh, mai mốt anh lên đây làm việc với chúng tôi.”

Tôi cười và “Cám ơn.”

Phòng SB là một chi nhánh của cơ quan tình báo Mỹ, do ông đại tá Bill phụ trách. Ông Bill không thường xuyên ở tại đây. Văn phòng chính của ông ở Bangkok. Cứ vài tháng, ông ta qua Bidong một lần, đọc lý lịch từng người rồi ghi vào một cái máy xách tay.

Hồi ấy, tôi chưa biết computer là cái gì. Trước 1975, ở Saigon tôi chỉ nghe nói có máy IBM: Bộ Tư lệnh Cảnh Sát có một máy IBM để làm căn cước cho dân chúng. Bộ Tổng Tham Mưu có một máy IBM để lập hồ sơ quân nhân. Hình như Phủ Thủ Tướng cũng có một máy IBM khác nữa. Khoảng các năm 1973, 74, học sinh đi thi tú tài, làm bài bằng cách khoanh a, b, c. để máy IBM chấm bài nên hồi đó, người ta gọi đùa là “tú tài abc khoanh”, hay “tú tài IBM”. Một máy IBM chiếm một gian nhà. Trước khi vượt biên thì có nghe người ta nói “tin học”, nhưng tin học là cái gì thì có biết đâu!

Còn ông Bill, ông có cái máy xách tay, bề mặt lớn tờ giấy photocopy một chút, dày hơn cuốn sách thông thường. Có lẽ đó là cái laptop, nhưng hồi đó tôi cũng chưa biết laptop là cái gì, có lẽ nó chưa phổ biến như bây giờ. Suốt mấy ngày ông Bill ngồi đánh máy vào laptop. Xong, ông xách máy về Bangkok, thế là rồi việc. Coi như ông ta mang hết hồ sơ đi.

Sau nầy, sau khi tôi vào làm ở phòng SB nầy một thời gian, ông xuống chỗ tôi ở, ăn cơm chơi với vợ chồng tôi, ông “bật mí” vài chi tiết về đời tư.

Ông Bill qua Việt Nam năm 1954, khi mới ra trường, mang loon thiếu úy. Hồi ấy, ông ta học tiếng Việt do người Bắc dạy, nên ông nói tiếng Việt theo giọng Bắc. Có một thời gian, ông sống ở khách sạn Morin Huế, khi khách sạn nầy chưa trở thành cơ sở của viện đại học Huế. Khoảng trước tết Mậu Thân, ông cưới vợ Huế, tên Dung, nhà bán thuốc lá Cẩm Lệ ở đường Duy Tân, ngang phố chợ An Cựu. Sau nầy, khi ở Mỹ đã lâu, gặp nhiều nhân vật cố cựu ở An Cựu, tôi biết thêm vài việc vui vui. Té ra, cô Dung, vợ ông Bill, là học trò cũ của tôi mà tôi không biết. Thứ hai, bố vợ ông Bill, cũng như cha con ông “Thiên Tường” (người ta hay đùa, nói ngược lại là “Thương Tiền”), nhà kế cận nhà cô Dung, đều có hoạt động cho Dziệt Cộng. Bố cô Dung, có lẽ nhờ là bố vợ ông Bill, nên không bị gì phiền hà nhiều, vả ông ta chỉ bị “mang tiếng” vậy thôi, chớ chẳng thấy hoạt động gì, còn cha con ông Thiên Tường thì đều bị Quốc Gia xử tử ở cầu Kho Rèn, ngay sau tết Mậu Thân vừa xong vì hoạt động cho Dziệt Cộng.

Ông Bill là bạn đồng nghiệp với ông Bell. Ông nầy cũng cưới vợ Huế, bà Nam Trân, họ Trương Như, người làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, quê nội của tôi.

Về vụ cha con ông Thiên Tường, nếu độc giả muốn biết thêm, xin đọc hồi ký của tôi viết về Mậu Thân ở Huế. Xứ An Cựu nầy, cùng “trang lứa” với cô Dung, còn có thêm một “anh hùng quái kiệt” nữa. Đó là Lê Văn Tống. Bởi vì tiếng Mỹ viết ngược nên tên Lê Văn Tống được viết là Tong Le. Đọc ngược lại một lần thứ hai nữa, ra tiếng Việt thì thành Lý Tống.

Vì cái IBM và laptop nầy mà nhiều người bị “bể dĩa”.

Người ta nói là trước 30 tháng Tư- 1975, người Mỹ rời Việt Nam với 2 cái dĩa IBM là trong đó có đủ hồ sơ lý lịch toàn thể quân nhân Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Nay có người nào khai gian lý lịch, ví dụ như trung sĩ khai thành trung úy, ông Bill chỉ cần đối chiếu lý lịch người ấy khai ở đảo đã ghi trong laptop của ông với lý lịch trong dĩa IBM là xì ra ngay. Khai gian như thế thì dễ bị “Phái đoàn Mỹ” từ chối, nghĩa là không được định cư ở Mỹ, chờ phái đoàn các nước khác như Úc, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển tới xét cho định cư theo “diện nhân đạo”.

Ông Trần Văn Chính Mù có kể câu chuyện, một anh Việt Cộng khai là đại tá Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Anh tình báo nầy “điều nghiên” kỹ lắm nên khai dúng y chang lý lịch một ông đại tá nào đó.

Cuối cùng, xong rồi, anh nhân viên Mỹ mới hỏi “Đại tá có còn gì để khai nữa không?” Anh chàng tình báo Việt Cộng trả lời rằng khai thế là xong, đầy đủ hết rồi. Bấy giờ nhân viên Mỹ mới ngồi ngữa người ra mà cười ha hả, nói rằng, còn một điều mà “đại tá” chưa khai, đó là “đại tá đã chết vào ngày 28 tháng Tư- 1975 rồi.”

Té ra anh tình báo Dziệt Cọng bị tổ trác, ông đại tá nầy chết vào những ngày cuối cùng, hồ sơ chưa kịp cập nhật, anh ta không hay, nhưng Mỹ thì đã hay rồi!!!

Lại có anh lính địa phương quân, khai rằng sau 30 tháng Tư anh ta về quê nuôi vịt, ấp hột vịt lộn. Cái nầy hơi rắc rối vì người Mỹ không ăn hột vịt lộn, nên tiếng Mỹ đâu có danh từ nào nói tới nghề ấp hột vịt lộn đâu! Cái đó chưa đau! Nhân viên Mỹ hỏi ấp trứng vịt xong bán cho ai? Bán cho hợp tác xã. Hợp tác xã là tổ chức của Dziệt Cộng, có nghĩa rằng anh lính địa phương quân hợp tác với Dziệt Cộng nên anh ta bị “phái đoàn Mỹ từ chối.”

Ngay trong nhà tôi ở cũng có một trường hợp đặc biệt khác. Nguyên ông nầy là cán sự lâm nghiệp, làm trưởng hạt kiểm lâm. Xe be từ trong rừng ra, ông ta chỉ việc lấy thước đo gỗ súc mà tính tiền, nên cũng giàu có lắm. Xe be vào rừng lấy gỗ thì đương nhiên gặp Dziệt Cộng, đóng thuế hay tiếp tế cho Dziệt Cộng là việc không thể tránh được, dù gỗ của “đức cha”, hay của bà Nhu, hay của ông Đỗ Cao Lụa ở Biên Hòa.

Ngược lại, do Mỹ yêu cầu, ông cán sự kiểm lâm cũng lấy tin từ các xe be, về việc Dziệt Cộng di chuyển, giờ giấc, đông ít, ở trong rừng mà báo cho kiểm lâm. Ông nầy báo lại cho Mỹ. Sau 1975, ông cán sự còn được Dziệt Cộng “lưu dung” một thời gian vì “khả năng chuyên môn”. Trước khi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, anh ta tin chắc rằng anh sẽ được đi Mỹ vì trước kia từng trao tin Dziệt Cộng cho Mỹ, v.v…

Nhân viên Mỹ hỏi sau 1975 anh ta có làm gì không? Anh ta trả lời có làm việc cho chế độ mới một thời gian. Như vậy, có nghĩa là có hoạt động cho Dziệt Cộng nên bị từ chối đi Mỹ. Gặp “phái đoàn Mỹ” xong ra về, tới nhà, anh ta chưởi Mỹ không biết bao nhiêu mà kể. Anh ta đâu có biết, trên nguyên tắc, từng làm việc cho tình báo Mỹ, mà sau đó có hợp tác với Dziệt Cộng thì coi như xong, chịu khó định cư ở Úc, Canada hay châu Âu vậy!

Tầu tôi được đặt tên là MC 483.

Làm thủ tục xong, tôi được đưa về chỗ ở.

Sau khi có “đổi mới”, Dziệt Cộng nới lỏng cho người vượt biển được thêm đông để sau nầy làm “Dziệt kiều hồi hương”. Ở Bidong lúc ấy là 14 ngàn người. (Thời kỳ đông nhất là hồi nạn kiều, Bidong chứa khoảng 40 ngàn người). Tất cả các longhouse đều chật ních. Tôi, vợ tôi và đứa con nhỏ được chia một chỗ nằm bằng một chiếc chiếu đôi. Chúng tôi phải gởi gạo ăn chung với một gia đình khác ở longhouse khác.

Lại phải nói tiếp về phòng SB.

Tàu tôi vượt biên có ba sĩ quan. Ông Cao Dai, thiếu tá; ông Nguyễn Văn Di, đại úy, và tôi.

Về ông Cao Dai thì tôi biết ông từ lâu, năm 1960, năm thứ hai tôi dạy ở trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bán Công Huế. Tôi dạy ở lớp đệ tam, làm “giáo sư hướng dẫn” (có trường gọi là giáo sư cố vấn) cho lớp “đệ nhị học lại”, gồm những học sinh thi hỏng tú tài 1, nay học lại để thi thêm keo nữa. Thầy dạy lớp nầy gồm toàn các “cụ”, tức là mấy cụ già ở trường, từng nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục như cụ Đinh Thành Chương (Năm sau ông vào làm hiệu trưởng trường Sư phạm Qui Nhơn), cụ Cao Xuân Lữ (nguyên là giáo sư Anh Văn của tôi), cụ Lâm Toại, cụ Trần Điền (sau nầy là thượng nghị sĩ). Học trò thì gồm nhiều người nổi tiếng như Hà Thanh, nữ danh ca đất thần kinh, ca sĩ Duy Khánh, quê ở Quảng Trị, cũng nổi tiếng ở Saigon, và không ít giai nhân như Vĩnh Thành, Nguyễn Cửu Thị Thi, Đặng Thị Chiểu… và một vài “quái kiệt” khác.

Anh Cao Dai là một trong những học sinh cũng nổi tiếng. Trong các buổi họp hội đồng giáo sư, tôi nghe các giáo sư dạy lớp nầy nhắc tới tên ông, có khi là Cao Đài, có khi là Cao Đại, hoặc Cao Đãi bởi vì không ai ngờ rằng có người có cái tên Dai thay vì Giai. Do đó, hồi ấy, tôi có nghe tên anh ta mà ít thấy mặt, anh học không chuyên. Cũng may, anh ta biết tôi. Khi còn ở trại Marang, anh ta tới hỏi tôi:

– “Anh có dạy Bán Công phải không?”

Nhớ tên anh ta, tôi cười:

– “Ông cũng học ở đó rồi đi Thủ Đức, nay mang cấp bậc gì rồi?

– “Thiếu tá!” Ông ta trả lời.

Tôi nói đùa:

– “Vậy ông là cấp trên của tui.” Rồi tôi kiếm chuyện làm quà:

– “Xem ra tướng ông cũng tốt đấy. Hậu vận không đến nỗi gì đâu!”

– “Tướng tôi sao?” Anh ta hỏi.

– “Anh học hành ra sao tôi không rõ, tướng không đẹp trai nhưng tốt!”

– “Không đẹp trai mà tốt nỗi gì?” Anh ta phản bác.

– “Ậy! Ông Khổng Tử có đẹp trai đâu, nhưng tướng ông là tướng tốt! Anh biết không?” Tôi giải thích.

– “Vậy tướng tôi sao?” Anh ta lại hỏi.

– “Ông có thấy cái mũi ông to hơn bình thường không? Đó là một. Trong ngũ nhạc, mũi to, mũi sư tử là tốt!”

– “Ngũ nhạc là cái chi?” Anh ta lại hỏi.

– “Ngũ nhạc gồm có trán, hai gò má, mũi và cằm. Mũi ở giữa, cao và to hơn các gò khác là tốt.” Tôi giải thích.

– “Tôi khổ vì cái mũi cà chua của tôi. Soi gương thấy kỳ cục quá!” Anh ta than.

– “Ông Khổng Tử trán dồ, ông ta có than như anh đâu!”

– “Trán dồ thì sao?” Anh ta lại hỏi.

– “Mấy người trán dồ bướng lắm.” Tôi nói.

– “Tôi có cái chi tốt nữa!” Anh ta lại hỏi.

– “Giọng nói. Đàn ông phải có tiếng nói lớn, dỏng dạc mới tốt. Sách tướng nói đó là tướng chỉ huy, ra lệnh cho người khác.” Tôi trả lời.

Điều tôi nói có thể đúng. Sau nầy, ở Bidong, anh ta làm trưởng Khối An Ninh của trại.

Vào trại Bidong được hai hôm, Cao Dai lên làm việc ở phòng SB vì quen với Trần Đình Khánh, trưởng phòng. Ngay chiều hôm đi làm việc về, anh tìm gặp tôi, nói:

– “Tôi có đề nghị với anh Khánh gọi anh lên làm việc. Anh ta ừ rồi. Mai mốt anh lên làm với tôi cho vui.”

Hôm sau, có loa gọi tôi lên phòng SB. Tôi gặp ông Lữ Quới Trang và cả ông Trần Đình Khánh nữa. Rồi họ đưa cho tôi một xấp giấy, bảo khai lại lý lịch, khai thật đầy đủ. Tôi làm y lời, khai từ khi nhỏ đến ngày vượt biên.

Theo tôi biết, hai ông Khánh và ông Lữ Quới Trang thì ông Khánh là trưởng phòng vì ông Khánh tới đảo trước, ông Lữ Quới Trang đến sau, vào làm phó phòng cho ông Trần Đình Khánh. So cấp bậc, ông nào cũng thiếu tá. Ông Khánh thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, ông Lữ Quới Trang thuộc Dù.

Khi tôi nạp bản khai, nói chuyện với cả hai ông trưởng và phó. Khi tôi chào ra về, chỉ còn ông Lữ Quới Trang với tôi. Ông ta nói: “Tôi là trưởng phòng SB.”

Tôi hỏi ngay:

– “Ông Khánh sao?”

–  Ông Khánh cũng trưởng phòng. Tôi sắp lên trung tá.”

“Trời ơi!” – Tôi than thầm- . Tới nước nầy rồi, đi ăn cơm xin mà còn mơ thiếu tá với trung tá. Chắc hai con cọp nầy ở chung một rừng không lâu.

Quả vậy, tháng sau, ông Khánh bàn giao trưởng phòng SB cho ông Lữ quới Trang. Ông Trang liền đuổi ông Khánh ra khỏi phòng, xuống ở dưới longhouse, không cho ở tại phòng SB nữa.

Trưởng phòng SB ở ngay tại chỗ, khỏi ở chung với đồng bào tỵ nạn. Ai nói đời không bạc như vôi!

Làm lý lịch xong rồi, tôi chờ mấy ngày không thấy phòng SB kêu lên nhận việc. Cao Dai hỏi tôi, tôi nói: “Có thấy kêu lên đâu!” Cao Dai lên hỏi Trần Đình Khánh, mới biết bản khai lý lịch của tôi ông Lữ Quới Trang đọc xong đem cất, không đưa cho ông Khánh. Ông ta kỵ gì tôi khi ông ta đọc lý lịch tôi!? Ông Khánh hỏi ông Lữ Quới Trang hồ sơ đâu, lấy lui, rồi cho gọi tôi lên nhận việc.

Sau nầy, biết lý lịch của ông Lữ Quới Trang, tôi nói với Nguyễn Dương Hảo, nguyên là kỹ sư canh nông, nhỏ tuổi hơn tôi, cũng làm việc tại phòng SB, thường ngồi bên cạnh tôi ở chỗ làm việc, rằng Lữ Quới Trang là tay rất thủ đoạn.

Kỹ sư Hảo nói với tôi:

– “Khi còn ở Việt Nam, em là “vua thuốc tây” chợ trời Saigon. Mỗi ngày giá cả lên xuống là do nơi em. Lữ Quới Trang cũng buôn thuốc Tây. Sáng sớm, nó chạy chiếc Yamaha dame tới quán caphê, chỗ em thường ngồi, chờ em ra giá xong, nó chạy mối kiếm tiền còm. Qua đây, thấy em, nó gọi em lên phòng SB làm việc liền, đâu có chờ như anh.”

– “Nó trám miệng ông đấy! Nó sợ ông nói chuyện cũ về nó, chớ gì! Ông biết vậy không?” Tôi nói.

Kỹ sư Hảo trả lời tôi:

– “Biết rõ hơn chớ, nó làm phó phòng 3 Sư Đoàn Dù mà cải tạo chỉ có bốn năm rưởi thì về. Răng về sớm rứa?!”

&

Sau nầy, qua vài người quen, tôi biết thêm, Lữ Quới Trang có vợ bé là con gái bà Hòa Khanh hay Hòa Khánh gì đó, tiệm bán võ xe hơi ở góc đường Nguyễn Cư Trinh và Ngô Tùng Châu, Saigon. Bà nầy là em ông chủ hiệu Rồng Vàng ở Huế. Ông nầy làm kinh tài cho Việt Cộng, còn bà nầy, sau 30 tháng Tư, mang “loon” thiếu tá Công An. Đó là lý do tại sao Lữ Quới Trang đi tù cải tạo về sớm, cùng một thời gian với Trung tá Hải Quân Lê Kim Lợi, cháu gọi Lê Đức Anh bằng chú ruột. Lê Kim Lợi đi H.O. còn Lữ Quới Trang thì vượt biên.

Anh ta là thiếu tá, sắp lên trung tá, vậy phải là sĩ quan giỏi, và qua cái giỏi đó, có bao nhiêu tin tức từ Sư Đoàn Dù qua tay vợ bé của y mà tới tay Việt Cộng?! Những người từng học và làm tình báo như tôi, phải đặt những câu hỏi như thế chứ?

Cũng chưa hết, Lữ Quới Trang vượt biên theo đường giây của Ngy-en Khoài ở Bến Tre. Khoài là đại úy Dù, không đi cải tạo, lại về Bến Tre tổ chức vượt biên, cho vợ đi trước, mở cửa hàng siêu thị ở San José rồi Khoài đi chuyến “hốt hụi chót”, móc Lữ Quới Trang theo.

Thiên địa ơi!

Chuyện gì mà kỳ vậy nè? Đại úy Dù, đã không đi tù cải tạo mà lại còn tổ chức vượt biên? Không phải là Trời cũng đoán biết chuyện chi xảy ra! Lữ Quới Trang vượt biên cùng với Khoài cũng chỉ là “ngưu tầm ngưu” mà thôi!

Do có tì vết, Lữ Quới Trang “bắt giò” đại tá Bill rất chặt, để được che chở, nào là yêu cầu ai làm việc ở phòng SB góp tiền tổ chức mừng “Happy Birthday” đại tá Bill, nào cơm nước điếu đóm và… chuyện gì nữa thì xin hỏi cô Lan, quê Vĩnh Bình, sau nầy lấy một ông bác sĩ người Thụy Điển làm việc ở bệnh viện SickBay trên đảo Bidong.

Cô nầy cũng có một cái “vết”. Trước 1975, cô ta chưa chồng. Tới đảo, trong hồ sơ, cô ta khai tên chị ruột, vợ một sĩ quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, hy vọng núp dưới cái dù “chế độ cũ” một chút, mong được ưu đãi hơn, đi Mỹ chẳng hạn. Đến khi ông bác sĩ người Thụy Điển làm việc ở bệnh viện SickBay muốn cưới cô, cô muốn lấy lại tên cũ. Ở văn phòng Cao Ủy chắc không khó khăn gì trong việc nầy, nhưng ở phòng SB có dễ khó gì không mà cô ta phải thập thò ra vào phòng SB sau giờ làm việc?

Chưa hết đâu!

Một hôm có chuyến vượt biên tới, trời đã tối. Tôi được gọi lên lập lý lịch cho “đồng bào mới tới đảo”.

Tàu nầy, có hai nhân vật đặc biệt. Một là Bùi Thị Mi, vợ Nguyễn Văn Hiệp, Trung tá Giám đốc sở Công An tỉnh Đồng Nai. Hiệp là người thay chức Mười Vân, người bị bắt và bị xử bắn vì tổ chức vượt biên ở Xuyên Mộc. Việc nầy, ở Việt Nam, nhiều người biết.

Việt Cộng dùng Hiệp để lật Vân, rồi chúng lại lật Hiệp. Vợ Hiệp, Bùi Thị Mi, từ Hà Nội mới về, nghe tin chồng bị bắt, sợ vạ lây, – hay thị là đồng bọn? -, bèn bỏ chạy, tới Bidong.

Cùng vượt biên với Bùi Thị Mi có Văn Thúy Sang, sinh viên đại học Vạn Hạnh trước 1975, con của ông Văn Văn Lộ, trước 1975 là nghị viên Hội đồng Thị xã Vũng Tầu.

Thúy Sang gọi Bùi thị Mi bằng mợ, hai mợ cháu cùng vượt biên, hay cháu đem mợ vượt biên, hay cả hai cùng đi trốn vì cùng là đồng bọn? Tối hôm đó, tôi không lập hồ sơ cho hai người nầy.

Hôm sau, nghỉ giải lao, đang uống nước, vài anh em chúng tôi nói với nhau về hai người vượt biên mới tới đảo nầy: Bùi thị Mi và Văn Thúy Sang.

Cựu đại úy Cảnh Sát Tống Văn Thừa, cùng làm ở phòng SB, nói với tôi:

– “Anh Hải biết không? Hai người nầy (Bùi thị Mi và Sang) ở trong vụ N-2.”

– “Vụ án hình sự ở Đồng Nai, báo Saigon có đăng?” Tôi hỏi.

– “Chớ chi nữa. Thằng thay chưn Mười Vân làm y như Mười Vân, bị bắt rồi!”

– “Tui có đọc báo, biết sơ sơ! Ông lưu ý ông Khánh chưa?”

– “Chưa! Ông Khánh sắp rời đảo đi định cư rồi, nói làm chi. Tôi tính nói với ông Trang, nhưng mấy chả nầy biết mẹ gì về tình báo mà làm! Anh với tui phải làm mới được.”

– “Được, tui chẳng giỏi gì về tình báo đâu, nhưng làm chi cũng được, “tan hàng, cố gắng” mà.” Tôi nói đùa.

Hôm sau, có lẽ do đại úy Tống Văn Thừa nói với ông Lữ Quới Trang, nên Bùi Thị Mi và Văn Thúy Sang bị gọi lên phòng SB.

Tống Văn Thừa điều tra Bùi Thị Mi còn tôi điều tra Văn Thúy Sang.

Văn Thúy Sang khai:

Về Nguyễn Văn Hiệp: quê ở Đất Đỏ, Đồng Nai, khoảng các năm 1950, 51 là học sinh trường Nguyễn Văn Khuê, gần chợ Cầu Muối (Sau nầy là trường Bồ Đề Saigon), bỏ học trốn theo Việt Minh, năm 1954 tập kết ra Bắc, sau 1975 về nam, làm phó giám đốc cho Mười Vân. Có công trong vụ tố cáo Mười Vân nên được thưởng, lên thay Mười Vân làm giám đốc Công An Đồng Nai. Đầu năm 1989, Hiệp bị điều tra về việc tổ chức vượt biên ở Xuyên Mộc.

Đây là vụ tranh ăn giữa Công An (Saigon) và Công An (Đồng Nai). Khách vượt biên phần nhiều là dân Saigon, trong đó không ít là bạn học cũ của Văn Thúy Sang (thị chối, không khai là do thị móc nối vượt biên để ăn chia với cậu của thị). Dân Saigon mà lại đem vàng đóng cho Đồng Nai ăn ngon, nên mấy “ông Công An” (Saigon) không chịu thua. Thế là họ bí mật theo dõi, xin lệnh trung ương về tận Xuyên Mộc bắt vượt biên, Nguyễn Văn Hiệp bị tù.

Hôm Nguyễn Văn Hiệp bị bắt, Bùi Thị Mi đang ở Hà Nội. Thị khai về thăm gia đình. Khi thị Mi vô tới Saigon, biết tin, không dám về nhà, tìm gặp Văn Thúy Sang. Cả hai mợ cháu cùng đi trốn và vượt biên. Hiệp đang ở tù, các con ở với nhau, không cha, không mẹ.

Theo Văn Thúy Sang, Bùi thị Mi không biết gì về việc làm của chồng, coi như vô tội nhưng sợ Việt Cộng quá, bị bắt lây, bèn vượt biên cùng Sang.

Văn Thúy Sang khai là sinh viên văn khoa đại học Vạn Hạnh, trước 1975. Sau 1975, Sang về Vũng Tầu ở với cha là ông Văn Văn Lộ, nghị viên Hội đồng Thị xã, có cửa hàng buôn bán xe Honda ở Vũng Tầu nhưng đã dẹp tiệp sau khi bị đánh tư sản. Ông Văn Văn Lộ không phải đi cải tạo, đã vượt biên và hiện định cư ở Canada. Văn Thúy Sang cũng từng vượt biên, đi cùng người yêu, một thiếu úy Quân Đội VNCH, nhưng chuyến vượt biên không thành. Tuy nhiên, đến khi ông bố bảo lãnh cho cả hai người, Sang và người tình, – khai là chồng -, thì Sang lại không đi, người tình đi một mình. Thị ở lại, quan hệ với bác sĩ Ái, người Quảng Nam, tốt nghiệp Y Khoa Huế, chuyên sửa sắc đẹp ở Saigon. Trong đám nầy, ở đảo còn có Vĩnh Việt Phước, sau đi Úc. Nhờ vậy, theo Sang khai, thị làm ăn khá, và có nhà riêng, trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và có một số tài sản hiện chôn dấu, nhưng nói với tôi rằng, “nhất định, chết thì thôi”, không chịu khai cho ai biết nơi thị chôn dấu.

Tôi lấy lời khai của thị đến đó thì “tạm ngưng”, Lữ Quới Trang bảo để xem lại. Mấy hôm sau, hồ sơ của thị được chuyển cho Dương Văn Hiếu, trung úy, sĩ quan Phòng 2, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 3, tiếp tục hỏi cung.

Tôi không ngạc nhiên việc “tạm ngưng” nầy, bởi vì, sau hôm Văn Thúy Sang khai có một số tài sản hiện chôn dấu ở Saigon, thì chiều hôm đó, cơm nước xong, tôi cùng vợ tôi ra bãi biển khu C ngồi chơi. Bãi biển khu C tương đối vắng và sạch. Ngồi ở đó, ngồi nhìn ra biển là thấy Hòn Cá Mập, đảo hoang, không có người ở. Hòn đảo có hình giống như con cá mập vừa trồi đầu nửa lưng lên mặt nước.

Gần bãi biển khu C, có một cái longhouse nằm riêng, ít ồn ào, cựu thiếu tá Ngu-yên Văn Nghiêm, khóa 20 Võ Bị Đà Lạt, nguyên là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1(?) XXX. Dù, tiểu đoàn mới thành lập, cùng gia đình ở trong longhouse đó với người tỵ nạn. Ông Lữ Quới Trang, khóa 18 Võ Bị là khóa đàn anh ông Nghiêm.

Ông Lữ Quới Trang chuẩn bị kỹ lắm: Thay ông Khánh, và đuổi Khánh ra khỏi phòng SB. Rồi Lữ Quới Trang “khóa cửa hậu”: Đưa ông Nghiễm vào chức phó phòng. Vậy là hai mặt tiền, hậu, Lữ Quới Trang che kỹ, không ai vào SB để biết, trình báo, tố cáo, moi hồ sơ vợ lớn, vợ bé, mẹ vợ bé là thiếu tá Công An, v.v… và v.v… Coi như “an toàn” trên con đường đi… Mỹ của ông ta.

Chiều hôm đó, khi tôi đi ngang cái longhouse ông Nghiêm ở, phía trước có một cái bàn đóng liền ghế, vài người và ông Nghiêm đang ngồi nghe BBC. Từ hồi vượt biên tới giờ, tôi không có radio nên không nghe được đài nào. Vả lại, đài BBC là đài tôi nghe rất quen, từ năm mới học trung học đệ nhị cấp 1955 cho tới ngày đi tù cải tạo, nên khi tôi chào ông Nghiêm xong, bèn ghé lại ngồi nghe ké.

Được một lúc, tôi có cảm tưởng như ai từ phía sau lưng đang nhìn tôi. Quay lại thì thấy Bùi Thị Mi và Văn Thúy Sang đang đứng chờ, không phải chờ tôi mà chờ ôngNghiêm. Tôi biết ý, bèn chào ông Nghiêm, cùng vợ con đi ra bãi biển. Tôi nghi hai mợ cháu nhà nầy sợ, đang “chạy thuốc”. Hôm sau, tôi không còn điều tra Văn Thúy Sang nữa.

Tôi nói với ông cựu Đại úy Thừa việc ấy. Thừa cũng nói anh ta không còn phỏng vấn Bùi Thị Mi, hồ sơ giao cho ai đó tiếp tục, tôi không nhớ tên.

Đã vắt giò lên cổ chạy trốn Việt Cộng, cũng không chừa thói cũ: “Có ba trăm lạng việc nầy mới xong.” Nghe nói không phải ba trăm lạng mà hai ngàn tiền Mã Lai đấy!

“Tổ quốc ơi! Ta yêu người mãi mãi” vì tổ quốc của thời loạn lạc nầy, thiên hạ tranh ăn, quậy nát không khác chi tổ cò. Với lại, chú ba Lữ Quới Trang, gốc Tầu thì tổ quốc của anh ta đâu phải là… Việt Nam.

Văn Thúy Sang khai thêm

về “Vợ bé của ông Thiệu” thường gọi là bà “Sì Nốc”, viết đúng chữ Tây là Cirnos (hay Cyrnos).

Đây là một restaurant nổi tiếng ở Vũng Tầu, của ông Tây tên là Cyrnos. Khoảng giữa thập niên 1950, ông Tây về Tây, sang tiệm lại cho bà Kim Anh. Bà vẫn giữ tên tiệm ăn như cũ để khỏi mất khách.

Hồi trước 1975, báo chí Saigon cũng nói xa gần, mà người ta cũng đồn rằng bà Kim Anh là bồ của tổng thống Thiệu. Một người bạn của tôi làm chuyên viên ở phủ tổng thống thì nói rằng việc ấy không có. Chẳng qua, ông Thiệu tính tình hay vui đùa, nên trong những lần ông ra thăm Vũng Tầu, trong các buổi tiệc tùng, người ta “cặp đôi” ông Thiệu với bà Kim Anh vậy thôi.

Hỏi Văn Thúy Sang việc nầy, vì bố cô ta là ông Văn Vă Lộ với bà Kim Anh là đồng viện: Hội đồng Thị xã Vũng Tầu. Văn Thúy Sang, khai là có nghe bố kể lại, bà Kim Anh có một đứa con trai với ông Thiệu, đặt tên là Thiếu. Tại sao đặt tên Thiếu, chắc là không phải thiếu nợ tiền mà thiếu nợ tình đó chăng?

Sau 1975, bà Kim Anh bị bắt đi tù cải tạo, vì tội gì Văn Thúy Sang không biết. Tôi cũng không nhớ Văn Thúy Sang khai bà Kim Anh bị giam ở trại nào. Tuy nhiên, có lần cậu Văn Thúy Sang là Hiệp, trung tá Công An đến thăm trại, nhân viên trong trại giới thiệu một người đàn bà tiều tụy, xấu xí, đang giữ việc nuôi heo, là “tình nhân cũ của thằng Thiệu” (Viết như thế cho đúng “ngôn ngữ Việt Cộng”). Hiệp thấy cũng tội nghiệp. Ấy là Văn Thúy Sang kể lại như thế!

Ít lâu sau, bà Kim Anh được tha, và trong một lần bà đến thăm Mười Vân, đi ngang văn phòng Hiệp, lúc đó đang làm phó cho Vân. Hiệp giật mình khi biết đó là người đàn bà nuôi heo mà Hiệp đã gặp mấy tháng trước. Hiệp không ngờ trên đời nầy có người đẹp và sang trọng đến thế. Nếu không có người nói cho Hiệp biết thì Hiệp không thể nghĩ ra đó là người đàn bà nuôi heo mà Hiệp từng gặp trong trại tù.

Từ đó trở đi, bà Kim Anh đến văn phòng Mười Vân rất nhiều lần, và cuối cùng Mười Vân bị bắt.

Bấy giờ Saigon bàn tán xôn xao về vụ Mười Vân và bồ cũ của ông Thiệu. Bà ấy chơi một đòn độc. Nhưng cũng chẳng ai thương hại Mười Vân cả. Sau nhiều chuyến vượt biên ở Xuyên Mộc do bà Kim Anh và Mười Vân hợp tác tổ chức, thu không biết bao nhiêu vàng, thì trong một chuyến gần chót, không biết bà Kim Anh thuyết phục Mười Vân như thế nào mà Mười Vân để cho bà ấy rời Việt Nam.

Người ta đồn bà Kim Anh đem theo tất cả những tài liệu gì cần thiết để kết tội Mười Vân, kể cả những tấm hình bà ấy ăn nằm với Mười Vân. Những tài liệu nầy, khi bà Kim Anh ra tới hải ngoại rồi, được bà gởi thẳng cho Mascơva. “Sư phụ” Liên Xô bèn gởi những tài liệu ấy cho “đệ tử” Hà Nội, không quên kèm theo lời khiển trách, và Mười Vân bị bắt, bị đưa ra tòa xử tử hình.

Bấy giờ báo chí Việt Cộng mạnh dạn tố cáo Mười Vân, lôi cả dòng họ cha ông Mười Vân ra tố khổ, nào bảo rằng Mười Vân, tên thiệt là Nguyễn Hữu Giộc, là con chủ tiệm vàng ở Biên Hòa ngày trước. Từ một chủ tiệm vàng trước 1945 thì cũng chẳng có gì gọi là giàu có lắm, báo chí Việt Cộng nâng lên thành tiệm kim hoàn để kết tội Mười Vân là con nhà tư sản thành thị, theo “cách mạng” cũng chỉ là theo hùa, kiếm ăn, thiếu giác ngộ chủ nghĩa Mác, là nòi bóc lột, phản động v.v… và v.v…

Dân Saigon có người lại vắt chân ngồi chưởi đổng. Biết người ta là con nhà tư sản bóc lột, không phải là “tam đợi bần nông”, tại sao lại cho theo “cách mạng” mà không loại trừ ngay từ đầu, nâng tới chức giám đốc sở Công An, “quân hàm” đại tá rồi mới hạ bệ, bôi lọ không thiếu chỗ nào!

Dân Saigon lại đồn hôm ra tòa, tòa hỏi Muời Vân thu bao nhiêu vàng, chôn dấu nơi nào, Mười Vân trả lời tỉnh khô:

– “Hỏi ông Lê Duẫn thì biết!”

Tại sao lại hỏi ông Lê Duẫn? Ông Lê Duẫn làm to lắm, chức Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, chớ có làm quản gia cho Mười Vân đâu mà có nhiệm vụ cất vàng cho Mười Vân. Có người nói mỉa như thế đấy. Nhưng ai ai cũng biết Mười Vân tổ chức vượt biên thu vàng có ăn một mình đâu.  Cứ “xuân thu nhị kỳ”, Mười Vân ra thăm Tổng Bí thư Lê Duẫn, đi bằng xe hơi riêng và có mang theo va-li nặng nhẹ như thế nào, làm sao biết được. Bây giờ Lê Duẫn theo chân “bác” xuống… địa ngục rồi, đâu còn chứng cớ. Bà Bảy Vân (vợ bé Lê Duẫn, quê ở Cần Thơ) tuy còn sống đấy, Lê Kiên Thành (con trai trưởng Lê Duẫn với bà vợ người Quảng Trị, dâu ông thợ mộc làng Trung Kiên), tuy còn sống đấy, nhưng liệu hỏi tới thì họ cũng hô to: “Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẫn muôn năm”, ngang hàng với “Hồ Chủ tịch muôn năm.” Đời người ta không dại nói thiệt đâu! Tục ngữ bảo rằng “Thật thà là cha dại” mà.

Có người kể rằng bà con đến thăm vợ Mười Vân, thấy bà ta tỉnh khô, làm như chồng bà ta vẫn yên hàn vô sự, không có chuyện chi xảy ra cả. Người ta đòi đi thăm mộ thắp nhang cho Mười Vân thì bà ta gạt đi mà cười. Vậy là sao?! Không lý người bị đem xử tử không phải là Mười Vân mà lại là một tên tù vô danh nào đó thế mạng. Có người không tin, có người tin. Có việc gì xảy ra trong chế độ Cộng Sản mà khiến người ta tin được?!

Phỏng vấn Văn Thúy Sang hai hôm, tôi moi được chừng đó tin tức. Tôi háo hức hy vọng còn moi thêm nhiều tin hay nữa, nhưng bỗng nhiên, tôi được lệnh ngưng phỏng vấn “người đẹp hay nói” nầy, người đã có lần khiếu nại với tôi rằng tôi hay hỏi những câu “bắt thóp” khiến cô ta không khai cũng không được.

Sau nầy, khi ông Nghiêm lên thế ông Trang rời đảo đi định cư, có lần ông Bill xuống longhouse ăn cơm với vợ chồng tôi và một người cháu vợ ông Bell, mà cũng là cháu của tôi, tên là Trương Thị Quí Phi, nhân lúc uống nước trà ăn bánh ngọt, tôi hỏi ông Bill về cái “kho tàng” của Văn Thúy Sang còn dấu lại ở Saigon. Ông Bill trả lời tôi trong lời khai của Văn Thúy Sang, ông ta có thấy nói gì tới “kho tang” nào đâu! Tài thật, cũng khá khen cho chú ba Lữ Quới Trang có tài âm binh, hủy bỏ những bản cung tôi khai thác ở Văn Thúy Sang và thay vào đó những trang lý lịch “sạch sẽ”.

Nói chuyện đó với Nguyễn Dương Hảo, Hảo đồng ý với tôi rằng “tay ấy” ma đầu. Một mình y, từ nịnh trên nạt dưới, dẫn gái, ma cô, mà xoay chuyển bao nhiêu người như không!

Làm việc ở SB tôi thấy có nhiều cái hay. Nếu cứ nghiên cứu tất cả những lời khai của các binh lính, sĩ quan chế độ cũ, người ta có thể vẽ ra một bức tranh ảm đạm vào những ngày cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Cứ như thế mà làm, người ta có thể thấy không khí ngày 30 tháng Tư ở Saigon hay đâu đó như thế nào. Nếu cứ nghiên cứu những lời khai của cán binh Việt Cộng, tình báo Mỹ có thể biết tình hình quân đội Dziệt Cộng sau 30 tháng tư như thế nào, hiểu được những gì Dziệt Cộng đã làm trước và sau khi tấn công Kampuchia. Cứ nghiên cứu lời khai của cán bộ đảng viên, công nhân, cán sự, kỹ sư vượt biên tới đảo, tình báo Mỹ sẽ hiểu rõ tình hình miền Nam Việt Nam hay Saigon nói riêng đang diễn tiến như thế nào.

Có điều đáng tiếc, khi hỏi những người vượt biên có học thức, bằng cấp về tình hình các trường đại học ở Saigon như thế nào, thì vì những lý do riêng tư, phe nhóm, có người làm việc ở phòng SB chưa từng học đại học bao giờ, lại đảm nhận việc phỏng vấn ấy. Như trường hợp hai anh em ông Hà, ông Hải. Hai anh em ông nầy mới đậu tú tài 1 rồi đi Thủ Đức, chưa từng bước chân vào ngưỡng cửa đại học thì biết gì về ngành nầy để phỏng vấn các kỹ sư, bác sĩ khi họ vượt biên tới trại tỵ nạn? Trình độ hiểu biết hạn chế đã thu hẹp khả năng làm việc của họ và ảnh hưởng đến kết quả công việc.

Họ được chỉ định làm những việc đó chẳng qua họ là “đệ tử ruột” của các ông trưởng phòng SB, biết dấu kín những gì ông trưởng phòng muốn dấu…

Đối với đồng bào tỵ nạn trên đảo – tôi dùng chữ “đồng bào” với đầy đủ nghĩa bóng của nó – thì phòng SB và khối An Ninh là nơi họ rất sợ. Tuy gọi là An Ninh nhưng thực ra công việc của nó chỉ là giữ trật tự, ngăn chận hoặc bắt giữ những người phạm pháp, quậy phá, du côn, du đảng – thường gọi là “bồ tạt” – khối An Ninh tự phân xử lấy, nếu trường hợp không có gì nghiêm trọng, có thể giam giữ ít hôm ở Monkeyhouse, là phòng giam gần khu làm việc của Cao Ủy Tỵ Nạn.

Trường hợp nghiêm trọng thì mời Cao Ủy đặc trách về an ninh, thường là ông Francesco, người Ý, đến phân xử. Còn những vụ án mạng thì phải giải qua Terrenganu cho tòa án Mã Lai xử tội. Có lẽ họ áp dụng theo luật Mã Lai, tôi không rành về các việc nầy vì tôi không làm việc ở khối An Ninh.

Riêng về phòng SB, người tỵ nạn coi nó như là một cơ quan mật vụ, mật thám Tây, đảm trách các vụ chính trị, Việt Cộng len lỏi vào trong số đồng bào tỵ nạn để hoạt động sau nầy, v.v…

Tôi không hiểu sao đồng bào sợ phòng SB đến thế, ngay cả môt số sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Họ có “tì vết” gì chăng? Có hợp tác với chế độ mới chăng? Có người đi tù cải tạo, không ít người bị đưa ra Bắc, có người đi tù về chẳng làm gì hết, hoặc đạp xích lô, hoặc thợ chụp hình, vá xe đạp, buôn thuốc Tây lậu, hoặc thợ hớt tóc, thợ may, hoặc làm việc cho hợp tác xã, cho công ty, xí nghiệp, v.v… và v.v…

Khi tôi làm việc ở phòng Phát Triển Cộng Đồng, chăm lo tờ báo của phòng nầy, ngoại trừ anh Hoàng Vũ là người thẳng thắn, lui tới chuyện trò với tôi một cách tự nhiên. Còn ngoài ra, vài anh em khác cứ thậm thụt, làm như họ sợ phòng SB biết họ có quan hệ với chúng tôi. Còn riêng anh em chúng tôi như kỹ sư Hảo, Hồ Đắc Liệu, Bửu Tộ và tôi, bỏ phòng SB mà qua làm việc ở đây, sợ phòng SB gì nữa?

Nếu chỉ chừng đó thì có chi đáng sợ?

Người phải sợ chính là ông Lữ Quới Trang, trưởng phòng SB chớ?! Ông ta là phó phòng 3 (Hành quân) Sư đoàn Dù, “sắp lên trung tá” – như ông ta nói, đi tù 4 năm rưởi thì về – như người khác, cùng cấp bậc như thế, chức vụ như thế, thì phải ngồi gở trên 10 cuốn lịch trong trại tù đấy -, Có phải là vì ông ta có mẹ vợ bé là “Dziệt Cộng nằm vùng”, sau 30 tháng Tư đeo “loon” thiếu tá Công An?

Bạn ông, ông Ngu-yên Khoài, người chủ tàu cho ông vượt biên, là cựu đại úy Dù, không học tập cải tạo, lại còn tổ chức vượt biên ở Bến Tre, quê hương ông ta. Những người như thế mới có nghi vấn, mới có câu hỏi chứ?! Còn như người nào có làm việc cho hợp tác xã, công ty, xí nghiệp thì cũng chẳng có gì đáng ngại cả. Mắc chi sợ bóng, sợ gió vậy?

Những người làm việc ở phòng SB hầu hết tham gia chế độ cũ, ít nhiều có đi tù, nên oán hận và thù ghét Việt Cộng, và “hình như” – tôi nói hình như – họ đem cái oán hận đó đổ lên đầu những người vượt biên có ít nhiều quan hệ đến Dziệt Cộng.

Chẳng hạn như có hôm tàu vượt biên xuất phát từ Bến Tre tới, đồng bào sắp hàng dọc, ngồi bệt trên sàn nhà chờ gọi làm tờ khai sơ khởi, nên có nhân viên SB nhìn họ, gọi mỉa “À! Tàu quê hương Đồng Khởi!” Một bà thuộc tầu nầy trả lời, cay đắng: “Bây giờ Đồng Khổ rồi ông ơi!”

Nghe lời đối đáp, tôi hiểu cả hai bên nói và trả lời, và thấy thương cho người dân Bến Tre.

 Trong tập thơ “Nước Non Ngàn Dặm” của Tố Hữu có mấy câu:

            “Hỡi ngươi chị của Bến Tre,

            Quê hương Đồng Khởi bốn bề đó chăng?!

            Miền Nam gan dạ ai bằng,

            Đội quân đầu tóc khăn rằn vắt vai.

 

Người chị của Bến Tre là bà Nguyễn Thị Định, chức chưởng là “Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam”, đứng sau ông Trần Văn Trà. Nhưng chức của Trà hay Định cũng là cái chức “dỗm”, nói ra nghe buồn cười và đau lòng cho người miền Nam dễ tin, nhẹ dạ.

Cả tỉnh Bến Tre, đâu có phải ai cũng là Nguyễn Thị Định hay “đội quân khăn rằn vắt vai” của bà Định cả hay sao? Họ cũng như toàn thể dân miền Nam vĩ tuyến 17 vậy, có người theo quốc gia, có người theo cộng sản. Không phải hễ cứ ai là Bến Tre đều là Dziệt Cộng cả.

Trong trại tù Cải Tạo, khi tôi bị đưa vào “trại Đá” – tức là trại A của Z30-A, trại có xây hàng rào cao và giam kỹ lắm, Việt Cộng sợ chúng tôi trốn trại, thì tôi gặp không biết bao nhiêu sĩ quan chế độ cũ quê ở Bến Tre, bị đưa từ “trại Vườn Đào” từ Cai Lậy lên. Thường hay chơi đùa với tôi thì có Đỗ Trọng Khiêm, chi khu phó Trúc Giang (Không phải bố Trúc Hồ đâu!), Huỳnh Hà Đông, Lê Khắc Thiệu, Lê Văn Tào, Nguyễn Văn Bộ, Nguyễn Thành Trung, (Trung méo, không phải Trung phi công theo Dziệt Cộng, cũng quê ở Bến Tre), Huỳnh Văn Trí (chúng tôi thường gọi đùa là Tư thiềng liềng –(1), hầu hết là tiểu đoàn trưởng Địa Phương quân. Còn nhiều nữa, có dịp xin kể lại sau. Nếu bây giờ họ có vượt biên tới trại tỵ nạn, nhân viên SB cũng coi họ “quê hương Đồng Khởi”, thân Cộng, theo Dziệt Cộng cả hay sao?

Khi lập hồ sơ, nếu ai có đi bộ đội, hay làm việc cho Dziệt Cộng thường bị nạt nộ, có khi chưởi bới nặng lời. Có lần Nguyễn Văn Cường, kỹ sư luyện kim, ở chung longhouse, than phiền với tôi: “Em học đại học nửa chừng thì Dziệt Cộng chiếm miền Nam, nên tốt nghiệp sau 1975. Tốt nghiệp rồi Dziệt Cộng kêu đi làm thì phải làm. Không ở với chế độ được nên em đi vượt biên. Em có phải là Dziệt Cộng đâu mà SB làm dữ vậy!” Còn nếu như ai là bộ đội, thì bị nạt nộ, hăm dọa dữ dằn, cứ bảo là khai gian, khai láo. Xem hồ sơ, tôi thấy họ bị bắt đi “nghĩa vụ quân sự”. Nó cũng giống như ngày trước bị “quân dịt quân gà” vậy, cũng chỉ là kẻ cầm súng, làm bia đỡ đạn cho chế độ. Họ có là quan quyền gì đâu mà ghét bỏ, thù hận họ dữ thế!?

Có một thanh niên, chỉ nói quê quán thôi, độc giả thừa biết anh ta là người như thế nào. Quê quán là ấp Mò Ó, xã Đại Ngãi, quận Long Phú, tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng cũ). Sinh sống ở ấp Mò Ó thì rõ ràng anh ta mới thấy “đèn điện” – ngọn đèn treo ngược, như cụ Phan Thanh Giản nói – sau khi anh ta tới trại tị nạn. Còn vượt biên: xã Đại Ngãi gần biển, dễ vượt biên, nhất là sau khi Việt Cộng “thả lỏng”, người ta đi thì anh ta “canh me” mà đi. Xứ anh ta dễ “trốn nghĩa vụ” nên anh ta trốn. Vậy mà SB không chịu hỏi cho kỹ, cho là có đi bộ đội mà không khai, nên Lữ Quới Trang giải giao cho Mã Lai, đem giam vào khám. Anh ta bị Mã Lai đánh cho mặt mũi sưng vù lên. Giam mấy hôm, đem anh ta về, anh ta cứ một mực “Tui biết chi bộ đội mà khai.”

Cũng là nạn nhân Cộng Sản cả, làm gì mà bức bách nhau dữ thế?!

Thật ra, có những sự kiện thuộc lãnh vực tình báo, dân chúng trên đảo nhiều người biết, lại biết rõ, mà phòng SB lại chẳng biết “mô tê” gì cả.

Tôi có thể cầm chắc tình báo Mỹ không có tài liệu nào nói tới tầu MC 522, là tầu “đi lạc” tới Bidong.

Câu chuyện đầu đuôi như thế nầy:

Chiếc tầu MC 522 là tầu mới đóng ở Bình Triệu Saigon, do “Sở Công an Thành phố” (Saigon) chủ trương, đóng để “gài” “Sở Công an Long Xuyên” tổ chức vượt biên.

Khi tầu đóng xong, “Sở Công an Thành phố” (Saigon) cho người giả dạng móc nối với “Công an Long Xuyên”. Tàu được đưa về Long Xuyên, “khách” phần đông là dân Saigon, được người của “Công an Long Xuyên” móc nối để lên “ghe lớn”, ghe đậu  ngay tại “Ngã Ba Lộ Tẻ.”

Kế hoạch vạch ra là khi “khách “ lên ghe xong đâu đó rồi, “Công an Thành phố” sẽ bao vây, bắt ghe, lập biên bản, truy tố “Công an Long Xuyên” tổ chức vượt biên.

Để nắm gọn toàn bộ “khách” không cho ai chạy thoát, thì tài công là người của “Công an Thành phố” gài vào. Bên cạnh tài công, còn có một tay làm điểm chỉ cho công an, tên nầy là con trai của Ba Trí, nhà ở phía ngoài cư xá Thanh Đa, đối diện “Nhà Nghỉ Thanh Đa” Saigon. Tên nầy được cấp một cây Carbine, chờ hễ khi Công an Thành phố bao vây xong, yđưa súng lên, bắt tất cả mọi người vượt biên ngồi im, không được trốn chạy.

Ở Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), nhiều người biết Ba Trí. Trước 1975, y là tên cầm đầu du đãng ở ngã năm Bình Hòa, Gia Định, trốn quân dịch. Ngày 30 tháng Tư, 1975, y dẫn đường cho Việt Cộng từ cầu Băng-ky vào tiếp thu tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định. Sau đó, y được tuyển dụng làm tài xế cho sở Công Nghiệp Thành phố (Saigon cũ). Vì bản chất là một tay du thủ du thực, một gốc với “thằng Cảnh”, tức Trần Quốc Hoàn, y được chế độ mới ưu đãi. Con trai của y chẳng đứa nào phải “thi hành nghĩa vụ quân sự” và làm chỉ điểm cho công an địa phương.

Tài công là người miền Nam, nhưng vợ tài công là con gái cán bộ, hợp tác với con trai Ba Trí trong vụ “gài vượt biên” nầy. Chồng của thị, không biết việc làm của vợ.

May mắn cho chuyến tàu vượt biên MC 522 nầy là khi “khách” đã lên tầu xong xuôi, đầy đủ, thâu hết vàng của khách rồi, thì “Công an Long Xuyên” ra lệnh nhổ neo, theo Kinh Núi Sập ra biển, có “Công an Long Xuyên” hộ tống, trong khi “Công an Thành phố” chưa kịp về tới.

Dĩ nhiên, đến Bidong, phần đông “khách” đi tầu không biết việc nầy. Người bị kẹt là con trai của Ba Trí, y là người do “Công an Thành phố” gài vào chứ đâu có muốn vượt biên. Y khai là cây súng Carbine do người tổ chức vượt biên trao cho y, đề phòng hải tặc Thái Lan. Sau đó, y xin được hồi hương, và suốt ngày trốn trong nhà. Y biết ở đảo, không ít người gốc ở Thanh Đa, nhận ra y là con Ba Trí. Mãi đến khi y được Cao Ủy cho rời đảo để hồi hương, việc y được “Công an Thành phố” gài vào tổ chức vượt biên mới bật mí nhiều người biết.

Và tôi cũng biết, biết rõ hơn những ngươi khác vì trước khi vượt biên, tôi cũng ở Thanh Đa, một xóm với Ba Trí.

Trường hợp Phan thị Hương cũng khá đặc biệt. Trước 1975, Phan thị Hương là sinh viên, hoạt động cho Việt Cộng. Khi Cộng Sản chiếm Saigon, Phan thị Hương là cán bộ, đội nón cối, mặc đồ bộ đội màu xanh, hằng ngày đi làm có xe hơi đưa rước. Cán bộ “cấp trung, cấp cao” lui tới nhà thị tấp nập.

Rồi Phan thị Hương có bầu. Năm 1988, Phan thị Hương vượt biên tới Bidong với đứa con trai khoảng 1 tuổi là đứa con không biết cha là ai trong đám cán bộ lui tới nhà thị. Phan thị Hương không có khả năng đoán được cha nó là ai? Khi có người tố cáo quá trình của thị cho phòng SB, Phan thị Hương bị điều tra. Thị cứ một mực khai sau “giải phóng” thị bán thuốc Tây ở chợ trời. Phòng SB cũng chịu thua. Sau đó Phan thị Hương định cư ở Canada.

Dĩ nhiên, tôi chán làm việc ở đây. Tôi thấy mình thừa!  Ông Tống Văn Thừa, sau vụ Bùi Thị My, Văn Thúy Sang cũng thấy thừa, đúng như tên ông là Thừa, nên ông bỏ làm, đi chơi lang thang “mà còn hơn”, như ông nói với tôi vậy.

Nhũng gì tôi biết ở trên là thật, từ chuyện ông Trần Đình Khánh, tới ông Lữ Quới Trang cho tới ông Ngu-yên Văn Nghiêm. Có những việc tôi không nói là vì thuộc đời tư của người ta. Nhưng những việc như ông Lữ Quới Trang đi tù chỉ có bốn năm rưởi được tha, những việc như ông có mẹ vợ bé là Việt Cọng nằm vùng (sau 30 tháng Tư đeo loon thiếu tá công an) và việc ông Lữ Quới Trang có đưa tin tức gì ông ghi nhận được ở Sư Đoàn Dù khi ông ta làm Phó Phòng 3 Sư Đoàn thì còn là đời tư gì nữa?

Nó không phải là ngọn dao đâm sau lưng chúng ta, những người lính Việt Nam Cộng Hòa hay sao?

Có người cho tôi biết, hiện y chui sâu vào ngành cảnh sát Mỹ, mai danh ẩn tích, không tiếp xúc với ai, không tham gia hội đoàn nào của người Việt hải ngoại. Họ còn yêu cầu tôi hãy báo cáo ngay cho cơ quan tình báo FBI Mỹ về tên địch vận nầy, bởi vì chắc gì khi tới Mỹ, y lại không tiếp tự công việc địch vận như y đã từng làm.

Và tôi cũng không ngần ngại khi làm việc ấy. Nói cho rõ thêm, ở xứ Mỹ nầy, đâu phải chỉ có một Lữ Quới Trang mà thôi đâu!!!!

Kỹ sư Nguyễn Dương Hảo chuẩn bị qua làm việc ở phòng Phát Triển Cộng Đồng. Có lẽ qua Hảo giới thiệu, một hôm ông cố vấn Trương Mạnh Hùng qua phòng SB gặp tôi, yêu cầu tôi qua làm việc ở phòng Phát Triển Cộng Đồng với ông ta.

Tôi trả lời:

– “Tôi đi rồi, các con tôi ở Việt Nam đang chuẩn bị vượt biên theo cha mẹ. Tôi muốn làm việc ở phòng SB để được là người đón các con khi chúng vừa đến đảo.”

Cố Vấn Trương Mạnh Hùng cười:

– “Anh yên tâm. Làm việc ở đây, anh chỉ được đón con anh khi chúng đến phòng SB. Còn tôi, tôi sẽ đưa anh ra tận cầu jetty, đón các con anh khi chúng vừa bước chân lên đầu cầu.”

Nghe thế, tôi cũng khoái trong bụng, nhưng chưa quyết đoán.

Đến gần Noel, chiếc ghe vượt biên của các con tôi đến đảo nhưng không có đứa con nào của tôi trên ghe đó cả. Tôi chỉ nhận được một lời nhắn của đứa con gái đầu, nhắn lại với người đi cùng chuyến: “Em qua nói với ba chị, Bi chết, chị và các em phải quay trở lui để tìm xác Bi.”

“Taxi” chúng nó bị lật trên đường ra chiếc ghe lớn. Chúng lên được ghe lớn rồi mà phải quay trở lui.

Bỏ việc, tôi ra về. Tôi và vợ tôi nằm ôm mặt khóc suốt buồi chiều hôm đó!

hoànglonghải

(1) Tư thiềng liềng: Khi còn làm đại đội truởng, anh ta cặp với một bà góa chồng. Đêm đầu tiên, anh ta hỏi “tà lọt”: “Của tao nhỏ quá, làm sao mầy?” Tà lọt nói: “Ông thầy đừng lo.” Xong, tà lọt hái mấy lá thiềng liềng, bỏ vào nón sắt giả nhỏ, bảo anh ta thoa vào cái ấy. Tư thiềng liềng cười khoe với chúng tôi: “Thoa xong, của tao to bằng chai xá xị”. Ai nấy đều cười. Anh ta có tên “Tư thiềng liềng” sau câu chuyện “khoe khoang” đó của anh.

Quảng cáo/Rao vặt

2 Comments on hoànglonghải – Bèo giạt (2) – Phòng SB

  1. chuyen cua Bac doc hap dan qua,co le hay hon chuyen “Den cu”nhieu,xin cam on Bac da viet,cac chau rat mong doc chuyen cua Bac,nhung vi sinh ke va hoc van nen thoi gio co han….Kinh xin Bac viet tiep…..Kinh
    mot nhom Du hoc sinh ngheo.

    Thích

  2. Vang , tui se Viet tiếp
    De lam chi?
    De ngay sau nguoi ta biet các the he trước da song va dâu kho nhu the nào
    Dung de tiền bất kiến cổ nhân
    Than ai
    Hoanglonghai

    Thích

Leave a Reply

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.