hoànglonghải – Bèo giạt (15) – thằng“Đế Quốc”

1“Quê mẹ không dung,

Que cha không đợi”

            Thằng “Ê-Rích” lo việc nước nôi thật chăm chỉ, đàng hoàng. Không ai chê nó vào đâu được.

            Sáng sáng, từ thứ Hai đến thứ Sáu, – ngoại trừ những ngày nghỉ lễ bất thường,- bữa nào nó cũng dậy thật sớm, xuống bếp nổi lửa bắt một nồi nước sôi to. Khi ngọn lửa đã cháy bùng, nó trở lên lầu, đánh thức mấy đứa bạn nó trong “Tổ Trật Tự”, theo phiên trực đã phổ biến tối hôm trước, xuống trại kêu gọi nhắc nhở đồng bào các tàu ở đảo Bidong chở qua thanh lọc hãy chuẩn bị, hoặc các tàu đã thanh lọc xong thì sẵn sàng để chuyển qua trại tỵ nạn Sungei Besi ở gần thủ đô Kuala Lumpur, hoặc làm vệ sinh trong trại.

Sân trước, sân sau, khu nhà có các phòng “phỏng vấn thanh lọc” quét dọn sạch sẽ, bàn ghế lau chùi sạch sẽ, không còn một chút bụi.

            Nó vừa canh củi lửa ở nồi nước sôi, vừa nhắc chừng mấy đứa bạn lo làm cho xong công việc. Rồi nó bưng mâm ly tách, muỗng dĩa xuống bếp, lau rửa sạch – không còn một chút quặng trà hay caphê dính trên dĩa hay đáy tách. Lau khô ly tách xong, nó sắp ngay ngắn trên mâm rồi bưng ra dãy “nhà phỏng vấn thanh lọc”. Ở đó, giữa hai bậc cấp ximăng cao ngang ngực, nó kê một cánh cửa sổ sơn trắng, nước sơn còn tốt. Tấm cửa đó, trở thành một cái bàn đựng các thứ giải khát cho luật sư Cao Ủy, sĩ quan thanh lọc Mã Lai và các thông dịch viên đến phỏng vấn đồng bào tỵ nạn.

            Bên cạnh bộ ly, dĩa, muỗng, nó đặt một bình thủy to – nước đổ vào bình là nước đang sôi sùng sục trong nồi – và “một bộ” gồm trà, caphê, đường. Gọi là “một bộ” vì mỗi ngày, nó phải bày ra ba thứ: Một bình caphê nhỏ, một hộp sữa đặc có đường, một hộp trà “caphê giựt” – tức là trà Lipton. Khi nói chữ “caphê giựt”, nó toác miệng ra cười vì hồi mới “giải phóng”, bộ đội Cộng Sản gọi trà Lipton là “caphê giựt” – và một hộp đường miếng. Mấy thứ nầy phải là “nguyên xi”, chưa khui mở gì cả. Cái nào hôm trước khui ra xài rồi mà còn thừa thì coi như bỏ. Thường thì thằng “Ê-Rích” và các bạn nó thừa hưởng của dư đó. Tiền mua các thứ giải khát nầy là do các tàu đến thanh lọc đóng góp. Tàu nào ít “kê” (case) thì chịu tiền giải khát một hai hôm. Tàu nào đông thì bốn năm ngày. Mỗi bộ giải khát như vậy dùng cho một ngày – khoảng 9 đồng Mã Lai -, chẳng bao nhiêu. Vả người Việt Nam cũng hiếu khách, biết ơn nghĩa nên chẳng ai thắc mắc khi phải đóng góp tiền giải khát. Một người, đại diện cho cả tàu, gom tiền người tỵ nạn, trung bình mỗi đầu người lớn là một đồng rưởi tiền Mã. Tiền thu được nộp cho ông Nguyên, làm “Thông dịch người bệnh”. Ngày nào có tranh lọc, thằng “Ê-Rích” lên phòng ông Nguyên nhận một bộ đem xuống đặt nơi bàn giải khát. Tính nó cẩn thận, lo xong việc giải khát, nó cầm cái khăn lau lại các bàn ghế trong phòng phỏng vấn một lần nữa, dù bàn ghế bạn nó đã lau sạch, nó vẫn làm lại một lần nữa. Nó có cái tật chỉ tin ở mình. Xong rồi, nó sắp bàn ghế lại thật ngay ngắn. Cái quạt máy có chân cao, nó đẩy vào góc phòng, cầm giây điện quạt máy quấn lại, không cho vướng lòng thòng.

            Khi mọi việc xong xả rồi, bấy giờ nó mới quay vào bếp làm cho nó một tô mì gói để ăn sáng. Có khi nó làm thêm một tô cho bạn, cũng có khi bạn nó làm mì sẵn cho nó rồi.

            Ăn xong, nó chờ cô Mai – Cô thông dịch của Cao Ủy – vào. Thường khi cô ấy vào thì có việc sai bảo nó. Chẳng hạn như biểu nó cầm trả lại giấy tờ cho những người đã được phỏng vấn ngày hôm trước. Giấy tờ đó cô cần giữ lại đem về văn phòng chính photocopy để lưu trong hồ sơ. Theo lời cô ấy dặn, giấy tờ ấy nó trao lại tận tay người chủ để khỏi thất lạc, yêu cầu kiểm soát lại có dư thiếu gì không. Giấy tờ của ai nấy coi, không cho người nầy coi giấy tờ của người kia bao giờ. Nếu có gì trắc trở, nó phải báo cáo lại với cô Mai.

            Cũng từ chỗ coi việc nước nôi đó, các luật sư Cao Ủy, viên chức Mã Lai, thông dịch viên làm việc ở các phòng thanh lọc, ai cũng biết nó, có thể là có cảm tình với nó nữa – Nó cũng nghĩ và hy vọng như thế – . Có khi các người ấy sai bảo nó một việc gì khác, như tìm lại một người vừa thanh lọc xong nhưng luật sư hay viên chức Mã Lai muốn gặp lại, hoặc bưng đồ ăn lên cho các viên chức trong ban thanh lọc như bữa cô Thu làm món chã giò mời phái đoàn ăn lấy thảo, v.v…

Và khi đồng bào rời trại đi Sungei Bési, ai cũng có bao bị, vali, xách, túi tùm lum. Người thì ngồi xe “ca”, hành lý thì chất lên xe tải. Muốn đồ đạc khỏi bị hư bể, chất lên phía trên hay để phía dưới – Dấu những con dao cắt thịt, làm cá bị chính quyền Mã Lai cấm xử dụng – để sát trong hay mé ngoài xe, ai nấy đều dặn nó, nhờ nó sắp xếp giúp. Nó làm y tăm tắp như mọi người yêu cầu.

            Về phía nhân viên Lực Lượng Đặc Nhiệm Mã Lai (Task Force), mỗi chiều khi điểm danh người tỵ nạn, thường có “Ê-Rích” làm “phụ tá”. Nhân viên Mã Lai thì cầm cuốn sổ và cây viết, hô to từng số tàu. Tàu nào sắp hàng theo tàu đó -. Tàu nào được hô thì đi ngang trước mặt nhân viên Mã Lai để “Ê-Rích” đếm số – Nó đếm bằng tiếng Anh, gọi to từng số – . Nhờ vậy nên việc điểm danh mỗi chiều được nhanh gọn, đồng bào khỏi chờ đợi lâu. Nhân viên Mã Lai cũng nhẹ việc. “Ê-Rích” lanh lợi mà làm việc đàng hoàng nên viên chức Mã Lai tin nó lắm.

            Từ những việc như thế, nó trở thành “nhân vật quan trọng” ở trại Ma Răng, trại thanh lọc người tỵ nạn. Từ việc người thanh lọc nào muốn gặp cô Mai nhờ cậy gì đó để trình báo lại với phái đoàn thanh lọc, cũng nhờ “Ê-Rích” giới thiệu giúp, việc đến trại, chuyển trại, việc xin xỏ gì đó với nhân viên Task Force hay Hội Hồng Nguyệt (MRCS – Malaysia Red Crescent Society) nhờ nó giúp đỡ nên được mau lẹ và đỡ ngại ngùng.

            Người ta gọi tên nó là “Ê-Rích” nhưng đó không phải là tên thật của nó.

            Từ khi còn ở đảo Bidong, đồng bào đã gọi tên nó là “Ê-Rích”. Ban đầu, khi nghe người ta gọi mình bằng một cái tên “nước ngoài”, nó toét miệng ra cười để làm vui với mọi người. Dần dà, tên ấy biến thành tên thật của nó. Ai ai cũng gọi nó là “Ê-Rích” hay “Thằng Ê-Rích” mà quên mất cái tên Việt Nam của nó. Đầu tiên, vì nó là thằng Mỹ lai, người đã gầy, lại cao, có râu quai nón. Việc gì nó cũng chăm chỉ làm, nhiệt tình, thường giúp đỡ ngưòi khác giống như ông “Cao Ủy Erik” làm việc tại Văn Phòng Cao Ủy trại tỵ nạn Bidong vậy. Hình dạng và khuôn mặt thằng “Ê-Rích” cũng gần giống như ông “Cao Ủy Erik”, có thể nhỏ con một chút vì khi còn ở Việt Nam nó bị thiếu ăn. Hai người cùng đều có râu quai nón cả. Ông Cao Ủy thì làm biếng cạo râu hay ông ta ưa chừa râu, còn “Thằng Ê-Rích” thì thiếu tiền mua dao cạo râu nên hay để râu dài. Vậy là người ta lấy tên ông Cao Ủy tốt bụng mà đặt tên cho một thằng Mỹ lai tỵ nạn cũng tốt bụng như ông Cao Ủy. Ban đầu chỉ là đùa, sau thành tật. Có khi người ta còn gọi nó là “Cao Ủy Ê-Rích” rồi dần dần bỏ mất chữ Cao Ủy chỉ còn “Ê-Rích” hoặc “Thằng Ê-Rích” vì nó cũng còn trẻ.

            Có khi tôi nghe bạn nó gọi: “Ê-Rích”. Cái mày lảnh đâu rồi?” Hay: “Cô Mai kêu thằng “Ê-Rích” kìa. Nó đâu rồi?”

            Gọi tên nó như thế cũng hơi kỳ cục đấy! Nhưng chính tôi cũng quen và cũng muốn gọi nó là “Ê-Rích” thay vì tìm cho ra tên thật nó mà gọi. Suy nghĩ, tìm tòi cho trúng tên vừa chậm mà vừa lười biếng, mất công. Thôi cứ gọi nó là “Ê-Rích” như mọi người cho xong.

            Vui nhất là những đêm thằng “Mócta” lên phiên trực. “Mócta” là anh lính trẻ của Task Force Mã Lai.

Nó vui tính, ưa trêu ghẹo mọi người và chơi thân với “Ê-Rích” cùng mấy đứa “Cô-Nhi”, là những đứa bé vượt biên một mình, không có cha mẹ hay thân nhân đi theo. Ngay cả tôi, lớn tuổi, không mấy khi giao thiệp với thằng lính Mã Lai, cũng bị nó trêu ghẹo. Một buổi chiều, tôi ngồi chơi ở bực thềm sau phòng thanh lọc, đi ngang qua tôi, nó chào hỏi đàng hoàng. Vừa xong thì nó giả bộ giáng đi của một ông già, tay chân run rẩy, lụm cụm. Tôi hỏi to: “Mócta”, mầy giởn với tau đó hả?” Nó quay lại nhìn tôi nhoẻn miệng cười, nói (Bằng tiếng Việt): “Đâu dám papa!”

Tối nào tới phiên trực, thế nào thằng “Mócta” cũng dẫn bọn trẻ phá phách suốt đêm. Trại Ma-Răng có một vườn dừa lớn. Cây nào cũng sây trái, nhưng lệnh Task Force cấm hái dừa. Dừa có buồng đã già, nhiều trái đã khô, nhưng người ta cứ để vậy, không ai được phép hái.

Có thằng “Mócta” bao che, bọn trẻ mặc sức trèo hái suốt đêm. Chúng nó hái xuống lấy nước dừa uống, đập lấy cơm dừa, mặc sức! Tới gần sáng trò nghịch phá ấy mới chấm dứt. Tới lúc đó, thằng “Mócta” biểu “Ê-Rích” cùng mấy đứa trong Tổ Trật Tự đào lỗ chôn hết các cùi dừa, không chừa lại một dấu tích gì hết. Thằng “Ê-Rích” cũng như bạn nó được “Mócta” dành cho mấy trái dừa.

Có lần tôi đang ngủ, “Mócta” đến đập vào chân tôi đánh thức tôi dậy. Nó nói: “Có hai trái dừa dấu trong cái xô ở dưới gầm cho papa. Đừng quên đó nhé. Đừng cho mấy ông kia thấy.”

            Một hôm tôi thấy thằng “Ê-Rích” nói chuyện với nhân viên Mã Lai. Miệng nó nói thì ít mà dùng “động từ to quơ” (đua tay ra dấu) thì nhiều. Tôi nói đùa:

– “Tao tưởng mày nói tiếng Anh hay lắm.”

Nó cười:

– “Đâu có bố! (Bọn trẻ thường gọi tôi bằng bố). Con qua đảo mới học tiếng Anh.”

Tôi đùa:

– “Mắt xanh, mũi lỏ, râu quai nón mà lại nói tiếng Anh không được. Nhưng con cá “gô” bỏ trong “gỗ” nhảy “gôộc” “gôộc” thì rất ngon lành.”

Nó cười, thật thà:

– “Con ở dưới “guộng” không. Qua tới đảo mới thấy bánh mì, đèn điện đó bố.”

Ở trại, nhiều người rất quê mùa nhưng cứ làm ra vẻ ta đây văn minh, sang trọng. Trong mặc cảm quê mùa đó, họ ăn mặc nhiều cách dị kỳ nhưng lại tưởng thế là đúng “mốt”, thành ra nhiều khi nhìn họ rất lố lăng, giống như mặc cảm của các cô Mít, cô Xoài ngày xưa biến thành Trâm hay Điệp khi lên Saigon bán “Bar” cho Mỹ vậy. Ngày nay, người ta cũng thấy cái mặc cảm đó trong cách ăn mặc của mấy cô cán bộ miền Bắc “chi viện” cho miền Nam sau ngày “giải phóng”.

Hôm tôi thanh lọc xong rồi, thằng “Ê-Rích”, theo lời dặn của cô Mai, đem giấy tờ xuống trả lại cho tôi. Nhân tiện, nó mời tôi lên phòng nó uống caphê chơi.

Tôi nói đùa:

– “Chà! Ông Tây nầy sang dữ, sáng chiều caphê đều đều.”

Nó cười cải chính:

– “Mấy ông uống không hết, còn thì mình uống, bỏ uổng!”

Thấy nó vừa cạo hàm râu quai nón xong, tôi hỏi:

– “Sao không chừa râu để thanh lọc mà lại cạo đi? Thấy hàm râu, luật sư Cao Ủy cũng như Mã Lai biết mình là con lai dễ đậu thanh lọc hơn.”

“Ê-Rích” trả lời:

– “Gần “lên bàn” (phỏng vấn), con mới chừa. Chừa bây giờ ngứa lắm. Con muốn cạo hằng ngày mà tốn tiền dao cạo quá! Cực chẳng đã mới để vầy.”

Tôi nói:

– “Tôi tưởng anh cạo râu cho trẻ, để kiếm “xe”. (Bồ bịch, bạn gái. Tiếng lóng ở trại tỵ nạn).

Nó cải chính ngay:

– “Không có đâu bố! Con biết con là người tỵ nạn thì phải sống cho ra cái người tỵ nạn, không có “xe cộ” chi hết! Bao giờ được định cư, có công ăn việc làm đàng hoàng con mới tính chuyện bồ bịch, vợ con.”

Tôi nói:

– “Tao thấy ở đây tụi nó xe cộ tùm lum. Vượt biên chưa tới đâu hết, còn phải thanh lọc nữa mà đã lo vợ chồng, ghép “Blue-Card”, sinh con đẻ cái thật là phiền phức. Cao Ủy, Mã Lai nuôi mình như vầy đã là khó khăn lắm rồi, còn đẻ đái ra nữa, thêm gánh nặng cho người ta là điều không nên. Mình phải biết tự trọng chớ!”

Có đứa phản đối:

– “Bố nói vậy chớ có nhiều người già rồi, vợ con còn ở Việt Nam, qua tới đây quên mất vợ, quên mất con, xe cộ tùm lum. Ông nào làm chức to chừng nào thì xe cộ nhiều chừng đó.”

Tôi trả lời:

– “Cái đó khó nói vì là đời tư của người ta. Cũng có kẻ đi tìm “thời hoàng kim” của họ ngày xưa chớ không phải là đi tỵ nạn.”

Thằng An, bạn của “Ê-Rích”, nói chen vào:

– “Có mấy con nhỏ thấy thằng “Ê-Rích” dễ đậu nên đòi ghép “lu-ca” (blue card) với nó nhưng nó không chịu đó bố.”

Tôi lại hỏi đùa thằng “Ê-Rích”:

– “Có không mày. Chắc không có con nào đẹp nên mày không chịu chớ gì? Có vợ đẹp là “nguy hiểm” lắm!”

“Ê-Rích” trả lời:

– “Đẹp hay không con chẳng thiết. Nó đòi ghép “lu-ca” là hễ mình đậu rồi thì nó cũng đi theo mình luôn. Qua tới bển là nó đá mình đi theo thằng khác. Tụi nó mơ kỹ sư, bác sĩ không, còn mình mới qua, tiền bạc không có, công việc chưa ổn, nó bỏ mình là chắc.”

Tôi cười:

– “Ông Tây lai nầy khôn lắm, sợ bỏ công bắt tép nuôi

cò.” Rồi tôi đọc tiếp câu ca dao:

                        “Tiếc công bắt tép nuôi cò

                        Đến khi cò lớn co giò cò bay.”

            “Với lại Cao Ủy bây giờ họ cũng rút kinh nghiệp, chưa chắc họ đã cho đi theo mà cũng buộc phỏng vấn thanh lọc như thường.”

            Thằng Định, ở trong đám nầy, nói:

            – “Có người họ nói làm như vậy là Cao Ủy vi phạm nhân quyền. Quyền tự do hôn nhơn. Không cho ghép “lu-ca” là vi phạm hôn nhơn tự do.”

            Tôi nói:

            – “Cao Ủy muốn xác minh là người ta có yêu nhau thực sự để kết hôn không. Nếu chuyện yêu nhau là chuyện thật thì họ cũng không cấm đâu. Người ta sợ đó là việc lợi dụng sự dễ giải của luật pháp. Luật pháp nào cũng có kẻ hở.”

            Tôi ngồi giữa, ngay mặt tôi là thằng “Ê-Rích”, chung quanh nó là đám bạn nó trong “Tổ Trật Tự”. Hớp xong một ngụm caphê sữa, tôi hỏi chuyện vượt biên của bọn chúng. Nhiều câu chuyện rất hãi hùng, cũng nhiều chuyện vui.

Một lúc, tôi hỏi “Ê-Rích”:

            – “Ê-Rích” mày chuẩn bị lý lịch để thanh lọc kỹ chưa?”

Nó mau mắn trả lời:

            – “Dạ, xong rồi bố. Lý lịch con dễ nói lắm.”

            – “Coi chừng. Đừng chủ quan.” Tôi nói. Rồi tôi hỏi nó một câu mà luật sư Cao Ủy trước nay vẫn thường hỏi mọi người. “Xin cho biết lý do rời Việt Nam?”

            “Ê-Rích” ngồi thẳng người lên, nghiêm mặt quan trọng, nghiêm chỉnh trả lời:

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Tôi là con lai. Đời tôi có nhiều đau khổ lắm. Tôi không có cha mẹ, bị người ta khinh khi, chế độ kỳ thị không sống nổi nên tôi phải trốn khỏi quê hương tôi.”

Nó nói “đàng” thay vì “đoàn” như cách nói ngọng của người miền quê trong Nam khiến mấy đứa ngồi quanh nó nhìn nó cười.

Tôi hỏi tiếp:

            – “Anh nói anh không có cha mẹ là thế nào? Phải nói cho rõ chỗ nầy.”

Thái độ và nét mặt của nó cũng làm ra vẻ quan trọng như lúc nẫy. Nó từ tốn trả lời:

            – “Dạ thưa phái “đàng” tôi không có cha mẹ là do…”

            Thấy điệu bộ và cách trả lời trịnh trọng của nó, cả bọn cười ồ lên, cắt ngang lời nó. Thằng Định nói:

            – “Mày làm như bố là Cao Ủy với Mã Lai, còn mày thì đang lên bàn thiệt sự.”

            Nó trả lời ngay, vẫn vẻ mặt quan trọng:

            – “Tụi bây ngu! Bố nghĩ coi. Con phải “Dạ thưa phái “đàng” cho họ thấy mình lễ phép, lịch sự, họ mới có cảm tình. Với lại, bố còn ở đây, bố dợt thử con. Có gì sai bố sửa giùm. Mai mốt bố đi Sengei, ai giúp con?”

            Thấy nó nói có vẻ gay gắt vì không vừa lòng mấy đứa, tôi vừa an ủi vừa dàn hòa:

-“Thôi! Thằng “Ê-Rích” trả lời tiếp đi. Có gì không

ổn, tao coi lại coi.”

            Nó trở lại điệu bộ quan trọng như cũ, coi như không có chuyện gì xảy ra:

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Tôi không biết cha mẹ sanh đẻ ra tôi là ai. Năm 1972, khi cha nuôi tôi nằm bệnh viện ở Cần Thơ. Người ta thấy một đứa bé mới đẻ, ai đem bỏ kề đống rác ngoài bệnh viện. Mẹ nuôi tôi đi thăm chồng, thấy tội nghiệp, đem về nuôi. Đó là cha mẹ nuôi của tôi. Không ai biết ai là cha mẹ ruột tôi.”

            Tôi cũng làm ra vẻ quan trọng:

            – “Vậy rồi cha mẹ nuôi của anh nuôi anh đến khi anh khôn lớn”?

            – “Dạ không! Cuối năm 1974, cha mẹ tôi bị Việt Cộng phục kích bắn chết cả hai ông bà vì cha nuôi tôi làm trưởng ấp. Chỉ còn lại một người chị gái do mẹ nuôi tôi đẻ ra với tôi mà thôi.”

            Tôi hỏi:

            – “Vậy rồi ai nuôi chị anh và anh?”

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Ông bà “goại” đem hai chị em chúng tôi về nuôi.”

            – “Tôi muốn xác minh cho rõ ràng. Cha nuôi anh làm trưởng ấp ở đâu?”

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Cha nuôi tôi làm trưởng ấp Mò Ó, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Hậu Giang.”

            Tôi giải thích:

– “Nên nói theo cách gọi của chế độ cũ, rồi giải thích thêm theo tên gọi của chế đội mới. Ví dụ anh nói ấp Mò Ó, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, nhưng tỉnh thì phải nói là tỉnh Ba Xuyên, nay gọi là tỉnh Hậu Giang. Mình phải nói làm sao để gợi ý cho họ hỏi câu tiếp, vừa dễ cho mình mà cũng dễ cho họ. Chẳng hạn như nói phải về ở với ông bà ngoại già cả thì họ sẽ hỏi tiếp cuộc sống của mình với ông bà ngoại như thế nào!?”

            “Ê-Rích” tiếp tục nói, vẫn với vẻ quan trọng:

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Khi cha mẹ nuôi tôi bị Việt Cộng giết chết rồi, ông bà “goại” tôi già cả và nghèo khó cũng đem chị em chúng tôi về nuôi.”

            Tôi khuyến khích:

            – “Vậy đó! Nói tiếp cảnh sống với ông bà ngoại, ăn uống, học hành, làm lụng vất cả tuy còn nhỏ tuổi…”

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Trước 1975, tôi chưa được ba tuổi. Ông bà “goại” cho chị em tôi vào một cái nhà trẻ của mấy bà “xơ” ở nhà thờ xã. “Giải phóng” rồi, nhà trẻ bị dẹp bỏ. Tới năm 1977, tôi mới học lớp một thì phải bỏ học vì ông bà “goại” tôi bây giờ nghèo “gồi”. “Guộng” bị tịch thu hết.”

            – “Trả lời như vậy là hay đấy! Nói tiếp chuyện ruộng vườn bị tịch thu.”

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Ông bà “goại” tôi bị tịch thu năm mươi chín công “guộng”, gần sáu mẫu. Một cái vườn năm công với một nhà máy xay lúa. Tất cả bắt giao cho “Hợp Tác Xã” hết. Ông bà “goại” tôi sống là nhờ có của cải đó. Bị tịch thu, mà ông bà già lắm, không đi làm thuê làm mướn cho ai được nên không có gì sinh nhai. Đời sống rất đói khổ.”

            Tôi giải thích:

            – “Không cần nói mẫu. Cứ nói bao nhiêu công là được rồi.” Tôi lại hỏi tiếp. “Bị tịch thu hết tài sản thì ông bà ngoại anh lấy gì nuôi chị em anh?”

            “Ê-Rích” trả lời, giọng xúc động thật sự:

– “Dạ thưa phái “đàng”, ông bà “goại” tôi vẫn phải đi làm thuê cho người ta, việc gì nhẹ thì làm, việc hơi nặng nặng thì “gán” làm, kiếm ăn qua ngày. Tôi bỏ học theo phụ với “goại”. Tới năm 1980 thì khổ lắm, tôi đi ở đợ cho người ta, lâu lâu có tiền gởi về cho “goại.”

            Tôi đùa:

            – “Bây giờ đi ở đợ là thuộc giai cấp số một của “Cách Mạng” rồi. Giai cấp tiên tiến số một, vậy còn vượt biên làm chi?”

            Ê-Rích” cũng cười:

            – “Ai kia! Chớ còn con!  Cán bộ, Công An thấy mặt là tụi nó ghét, khinh bỉ.”

            Tôi nói:

            – “Thôi tiếp đi! Từ khi đi ở đợ, có những khó khăn gì?”

            “Ê-Rích” cũng trở lại điệu bộ như lúc ban đầu:

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Đi ở đợ, tôi không gặp khó khăn gì bởi vì ông bà chủ nhà cũng là người tu hiền. Khi ông bà “goại” tôi không chịu nhận tiền tôi đem về cho nữa, thì ông bà chủ cất giùm. Nói là để lo cho tôi vượt biên.”

            – “Anh ở đợ với ai? Trong chế độ mới, họ làm nghề gì có tiền mà nuôi người ở đợ?”

            “Ê-Rích” trả lời:

            – “Dạ thưa phái “đàn”. Ông bà chủ rất thương tôi. Ông bà chủ có cái sạp bán cá khô, nước mắm, thuốc lá lẻ, trà ở chợ xã. Họ có con cái ở nước “goài” gởi tiền về cho. Vì vậy, họ nói tôi nên đi vượt biên để kiếm tiền về giúp đỡ ông bà “goại” tôi. Họ nói ông bà “goại” tôi và cha mẹ nuôi tôi ngày xưa tốt bụng lắm. Ai cũng thương. Vậy mà cha mẹ nuôi tôi chết sớm thật là tội nghiệp! Công việc của tôi là gánh hàng ra chợ cho bà chủ. Bán xong, tôi gánh về. Ở nhà thì quét dọn nhà cửa, gánh nước tưới “gau” và nấu cơm. Đồ ăn thì bà chủ tự nấu lấy…”

            – “Sống như thế, anh có gặp gì khó khăn nữa không?”

            – “Dạ không! Khó khăn là khi nào tới cơ quan hay đi lao động, đi thủy lợi.”

            Tôi hỏi:

            – “Anh đi lao động năm nào, làm những công việc gì?”

            “Ê-Rích” trả lời:

            – “Dạ thưa phái “đàn”. Tôi đi lao động năm 1987…”

            Tôi ngắt lời:

– “Năm 1987 mày mới 15 tuổi, chưa tới tuổi lao động mà?”

“Ê-Rích” vẫn bình tĩnh:

– “Dạ thưa phái “đàn”. Năm 1987, chính quyền xã gọi tôi trình diện để đi lao động. Tôi khiếu nại tôi mới 15 tuổi thì họ nói “Mày Đế Quốc Mỹ” nên được “ưu tiên”.

Tôi hỏi “Đế Quốc Mỹ” là sao?

“Ê-Rích” trả lời, vẫn nghiêm nghị nhưng hai con mắt có vẻ đau khổ.”

– “Dạ thưa phái “đàng”! Chính quyền, cán bộ, Công An xã ấp, họ không gọi tôi bằng tên thật – tên Thắng – Ở đây đồng bào gọi tôi là “Ê-Rích” là gọi cho vui. Còn chính quyền bên nước gọi tôi là “Thằng Đế Quốc Mỹ” là họ gọi mỉa mai vì tôi là con lai Mỹ. Họ nói cha đẻ tôi có tội “xâm lược Việt Nam” nên tôi cũng phải chịu tội chung với cha đẻ tôi. Nay tôi dù chưa tới tuổi cũng được ưu tiên lao động để chuộc tội cho cha tôi. Đi lao động, đi thủy lợi, việc gì nặng, họ kêu tôi làm. Họ gọi: “Ê! “Thằng Đế Quốc Mỹ” đến đây làm việc nầy!” Vác đá, khiêng cây, đào đất, việc chi tôi cũng được “ưu tiên” hết mà tôi thì mới mười lăm tuổi.”

Tôi cười:

-“Khai như vậy là đậu thanh lọc đó! Mới mười lăm tuổi mà lao động như người lớn là ngược đãi. Đó là nói về vật chất. Còn gọi mày là “Thằng Đế Quốc Mỹ”, mai mỉa, khinh thị là ngược đãi về tinh thần. Có muốn đánh hỏng thanh lọc, cũng không đánh hỏng được.”

Tôi cười hỏi tiếp:

– “Nhưng có thật như vậy không hay mày bắt chước người ta mà đổ tội cho Việt Cộng.”

“Ê-Rích” cũng cười:

– “Bố nghĩ coi, nhiều khi con tức chết đi được. Tủi thân con khóc “goài”. Ông bà “goại” con thường an ủi. Dù gì thì máu mẹ con cũng là máu Việt Nam. Con sinh đẻ ở Việt Nam thì con cũng là người Việt Nam! Vậy mà một chút họ gọi con là “Thằng Đế Quốc Mỹ”. Họ còn nói “Thằng Đế Quốc Mỹ” làm biếng, “Thằng Đế Quốc Mỹ trốn tránh lao động.” Con sinh đẻ ở Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, con có dòng máu Việt Nam mà con cứ bị kỳ thị “goài”, bị mai mỉa “goài”, bắt lao động nặng nhọc, con tủi thân, con buồn lắm. Con “gời” Việt Nam nhưng con buồn lắm. Con “gất” thương ông bà “goại.”

            Tôi hỏi:

            – “Nếu trả anh về Việt Nam thì anh nghĩ sao?”

            “Ê-Rích” trở lại thái độ nghiêm chỉnh như ban đầu:

– “Dạ thưa phái “đàng”. Tôi là người Việt Nam. Tôi ở Việt Nam là đúng. Nhưng tôi không muốn bị người ta khinh khi, mỉa mai gọi tôi là “Thằng Đế Quốc Mỹ”. Ai cũng phải làm việc mới có cơm ăn, nhưng đừng đối xử ác với con như Cộng Sản.”

            Tôi cười:

– “Hay! Trả lời hay đó. Bị đối xử ác, bị bạc đãi, bị khinh thị thì lam sao trở về được. Nhưng giả thử như phái đoàn hỏi mày qua tới Mỹ rồi thì có đi tìm cha không thì mày trả lời làm sao?”

            “Ê-Rích” trả lời, giọng nói xúc động:

            – “Dạ thưa phái “đàng”. Con thì phải tìm cha. Nhưng tôi thấy hơi khó. Mẹ đẻ tôi bỏ tôi bên đống “gác” bên ngoài bệnh viện Cần Thơ, không một miếng giấy, không một tấm hình, biết căn cứ vào cái chi mà tìm cha. Nếu như tôi tìm được cha, chắc tôi sung sướng lắm”.

            Tôi nói đùa:

            – “Mày chắc đậu nhưng chờ nhận diện và định cư thì lâu lắm.”

            Nó trố mắt hỏi tôi:

            – “Sao? Tại sao bố nói lâu định cư?”

            Tôi cười:

            – “Tao sợ mấy ông chờ họp nhau, coi thử “con anh hay con tui”. Ông nào cũng mắt xanh mũi lỏ. Biết bao nhiêu ông tới Việt Nam: Ông Mỹ, ông Úc, ông Tân Tây Lan, ông Canada, không chừng lại có ông Ba-Lan, Hungary trong Ủy Hội Quốc Tế. Ông nào nhận là con mình thì cho đi định cư nước ấy.”

            Cả bọn cười ồ. Thấy mặt nó có vẻ tiu nghĩu, buồn buồn, tôi thấy hối hận, thấy mình đùa một cách vô ý thức, lại tàn nhẫn nên tôi vội nói:

            – “Nói chơi vậy thôi. Người Mỹ họ nhận trách nhiệm về vấn đề nầy nên chắc chắn đậu rồi thì đi Mỹ. Chỉ sợ qua tới đó, có tiền có bạc rồi quên ông bà ngoại, quên mất chị thì tội cho họ lắm.”

            “Ê-Rích” cải chính, vẻ cương quyết:

– “Không bao giờ bố! Không bao giờ. Không quên ông bà “goại”, không quên Việt Nam. Đó là thủy chung.”

            Mấy hôm sau, ông Sáng, một người xem tướng nổi tiếng ở Bidong, có rất nhiều khách hàng – có lẽ trước tương lai bấp bênh nên người ta đâm ra muốn xem tướng số – ngồi chơi với tôi ở bậc cấp phía sau nhà thanh lọc, nhìn ra biển cả mênh mông. Bỗng tôi hỏi ông Sáng:

            – “Này! Anh xem tướng giỏi, vậy anh thấy thằng “Ê-Rích” tướng mạo nó như thế nào?”

            Ông Sáng trả lời:

            – “Xem về tướng chớ không xem về số thì tướng thằng “Ê-Rích” là tướng khổ. Anh thấy khuôn mặt nó cũng hao hao với khuôn mặt “Cao Ủy Ê-Rích”. Trong số các Cao Ủy, ông ấy trông có vẻ khổ hơn những người khác, làm việc chăm, tối ngày không nghỉ, nhưng rất có lương tâm. Tấm lòng nhân ái của ông ấy lớn lắm. Khuôn mặt như ông “Cao Ủy Ê-Rích” và thằng “Ê-Rích” là khuôn mặt chữ thân. Trong sách tướng, thân là con khỉ, mặt hơi dài, cằm dài. Đó là khuôn mặt Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Những người ấy có lòng nhân ái, có thể giàu có nhưng suốt đời thì cực. Đó là tướng mạo.”

            Vậy mà hơn một năm sau ngày đậu thanh lọc, thằng “Ê-Rích” vẫn còn ở trong tại tỵ nạn Sungei Bési. Mặc dù câu nói của tôi ngày trước chỉ là câu nói đùa nhưng tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao lâu rồi mà trường hợp thằng “Ê-Rích” chưa được cứu xét cho rồi.

Tội nghiệp thằng bé Mỹ lai. Nó khổ từ khi lọt lòng mẹ cho tới bây giờ.

hoànglonghải

Quảng cáo/Rao vặt

Leave a Reply

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.