Bình Long: Bức dư đồ chơn thật và những vần thơ hoài niệm 72

Tác giả: Đoàn Văn Tiết sưu tầm, với sự đóng góp của các bạn thơ đồng hương Bình Long

1 2 3 4

Danh Sách các vị Tỉnh Trưởng:

Trước 1956, Tỉnh Bình Long là Quận Hớn Quản, Lộc Ninh thuộc Tỉnh Thủ Dầu Một.

Từ 1956 tách thành Tỉnh Bình Long.

– Đầu tiên là Tỉnh trưởng dân sự, Ông NGUYỄN VĂN TOÁN,

Ông TOÁN người gốc HUẾ, đi kháng chiến chống Pháp về. Sau đó rời Bình Long nhận công tác Đại biểu chính phủ tại vùng Cao nguyên Trung phần. Trong khi đi kinh lý tại Pleiku, ông bị bắt và mất tích.

– Thứ 2: Thiếu Tá NGUYỄN ĐỨC MÃI

Ông MÃI là người gốc Huế, năm 1975 là Đại tá Quân Trấn Trưởng TP Nha-Trang bị đi tù cải tạo 8 năm, 1983 được tha về do bịnh và chết tại Gò Công năm 1985.

– Thứ 3: Đại Úy LÝ BÁ HỶ

sau là chuẩn tướng Chánh Võ Phòng Phủ Phó Tổng Thống.

– Thứ 4: Trung Tá DƯƠNG VĂN THỤY

Ông THỤY là người gốc Huế, sau là Đại tá dân biểu hạ nghị viện phe Ấn Quang. Sau 1975 định cư tại Canada.

– Thứ 5: Thiếu Tá LỘ CÔNG DANH

– Thứ 6: Thiếu Tá TRƯƠNG VĂN PHÚC

– Thứ 7: Đại Tá TRẦN VĂN NHỰT

ngày 26/8/1972 đi nhận chức TL/ sư đoàn 2 bộ binh. Sau 1975 định cư ở Mỹ, đã mất tại Mỹ ngày 6-1-2015

– Thứ 8: Đại tá NGUYỄN THỐNG THÀNH

ngày 26/8/1972 là Tiểu khu phó, lên thay ĐT Nhật, 1974 làm TT tỉnh Phước Long.

– Thứ 9: Đại Tá PHẠM VĂN PHÚC

Biệt động Quân, là Tỉnh trưởng cuối cùng.

Đoàn Văn Tiết

Thơ hoài niệm cố hương của Đồng Hương Bình Long

THƠ PHẠM NGỌC PHI

Bình Long, mùa hạ nhớ

Có đôi lần em nói với anh

Mùa hạ thường mang nhiều nhung nhớ

Quê mẹ Bình Long thương sao màu đất đỏ

Rừng cao su thẳng đứng buổi chiều xanh

“ Đại Lộ Hoàng Hôn “ bóng lá nghiêng mình

Nơi cuối dốc tượng Chúa buồn vạn thuở

Nhớ không anh những trưa hè rực rỡ

Tiếng ve sầu rộn rã những hàng cây

Giọt nắng xôn xao nỗi nhớ đong đầy

Làm sao lạc con đường “ Chân Trời Tím “

Trong mỗi chia ly có điều bịn rịn

Đến bao giờ trở lại tuổi thơ ngây

Em sẽ không quên những tháng cùng ngày

Vào Hưng Chiến, về Thanh Lương thăm bạn

Buổi sáng tinh mơ, buổi chiều chạng vạng

Ao học trò hai buổi bướm hoa bay

An Lộc nhìn lên thành phố chân mây

Là Hớn Quản, và con đường phượng đỏ

Rừng lá cao su ngút ngàn mắt ngó

Đợi em về thăm Thác 4 năm xưa

Về hướng Lộc Ninh ghé Quán Biên Thùy

Uống chút ruợu cho nồng môi lãng tử

Bụi đỏ mang mang bước chân người lữ thứ

Hãy ở lại đây uống hết ân tình

Đến phi trường cô chủ quán xinh xinh

Như trái chín trên nửa cành nguyệt lộ

Mái tóc huyền buông mắt nhìn vời vợi

Như đợi một người tận chốn xa xôi

Chợ Cũ âm vang nao nức không rời

Có tiếng hát trong Văn đàn xao xuyến

Em sẽ nằm mơ mà lòng lưu luyến

Ngã tư chiều êm ả tuổi đôi mươi

Phú Đức xum xuê trái ngọt đầu môi

Mùi vú sữa hương sầu riêng bát ngát

Nắng hạ lao xao chim rừng ca hát

Rủ em về Phú Lộc hái chôm chôm

Dù đã mỏi chân Xa Cát, Xa Cam

Em sẽ đến cùng cỏ cây ngày cũ

Hạ trắng đêm naysao lòng em ủ rũ

Bởi xa người, xa lắc một miền quê

Lửa khói điêu linh xương trắng tứ bề

Làm sao khóc khi không còn nước mắt

Quê mẹ Bình Long xót xa cùng khắp

Đã một thời chinh chiến khóc thương nhau

Quốc lộ 13 chan máu đỏ ngập đầu

Có vang dội cũng đổi nhiều xác chết

Xin hãy cho em nguyện cầu tha thiết

Mãi yên bình như tên của quê hương

An Lộc , Bình Long nỗi nhớ khôn lường

Cho em gởi trái tim về bên ấy.

Phạm ngọc Phi

THƠ  PHONG LÊ

Thiên Đường Đánh Mất…

Trận mưa thác đổ hai hàng

Chập chùng ánh mắt in hằn vì sao

Thiên thần xòe cánh thanh tao

Vỗ về định mệnh hụt hao cõi lòng

Xa Cam đất đỏ lưng tròng

An Lộc còn lại tấn phong cuộc đời

***

Quản Lợi phố vắng đầy vơi

Cho tôi hiện hữu làm người thế gian

Cao su bát vỡ điêu tàn

Giữa lòng Số Bốn nghèo nàn riêng tôi

Nhà thương Technic buồn vui

Réo về phố chợ phượng vùi hoa đâu?

***

Cầu Trắng bỡ ngỡ xôn xao

Chợ Chiều luyến ái gầy hao bóng hình

Lộc Ninh cây trái ngóng nhìn

Áo dài phất phới vạn nghìn rẩy run

Chiến tranh hồ dễ bao dung

Hàng chôm chôm tróc buồn hôn dáng gầy

Tiếng cười rộ nở quanh đây

Tưởng như còn lại trẻ đầy lớp xưa

***

Núi lùa nàng Gió xin thưa:

‘Những ngày Hoàng Thị chưa vừa lòng nhau!’

Chân Trời Tím phủ chợt đau

Sân trường như vẫn hóng chao lối về

Chỉ còn bia đá hoang khê

Vẽ vời di tích ê chề ly tan

Thiên đường đánh mất ca than

Vết hằn định mệnh mù khan nẽo đường….

Sói Đồng Hoang

Mùa Hè Lửa Đỏ

Bụi in phố đỏ mưa dầm

Nghiêng tai đại bác phân trần vọng sang

Châu về quả sáng miên mang

Triều rơi sóng vỗ mùa sang bóng gầy

Người lính vác súng nằm đây

Suy tư từng tiếng đạn thay tiếng người

Chở che miếng đất tả tơi

Trên vùng đất đỏ gọi mời lời ru

Đâu rồi tiếng hát thuần nhu

Hàng cao su đứng vi vu gió mời

Chia phe khỏi xấu mặt người

Để che đậy cả một trời ăn năn

Áo nằm tơi tả dưới trăng

Trải nghiêng qua phố lạnh băng vào hồn

Đêm về hơi lạnh buồn nôn

Kẻ nằm dưới đất, người lôm khôm ngồi

Xác người rải rác xóm thôn

Còn đâu giọt lệ réo hồn thương đau

Thức ăn bụng đói ruột cào

Từng viên đại bát thông hào chở che

Trẻ con xót ruột nín khe

Mẹ bầu sữa cạn lâm le mắt nhìn

Trực thăng xoay cánh vô tình

Khói nhòa bóng đổ trăm nghìn vương mang

Khóc người không một vành tang

Ngôi mồ còn đó cỏ hoang chiếm phần

Mùa Hè Lửa Đỏ súng ngân

Giật mình tỉnh giấc đôi lần xôn xao

BÌNH LONG LIÊN KHÚC

Khúc số 1

Bình Long nắng bụi mưa lầy

Mưa vơi quên lãng,mưa dầy nhớ mong

Não nề giọt cuối lập đông

Quanh ta nghe những chập chùng dấu yêu

Bốn mươi năm, gió xoay chiều

Bước chân lãng đãng gót phiêu linh về

Vẳng nghe tiếng khóc não nề

Hồn vừa chợt tỉnh cơn mê cuộc đời

(Thơ Trần văn Nghi)

————————–

Khúc số 2

Có những hoàng hôn buồn nhớ ai

Người xưa nay vắng,tóc buông dài

Nay còn kỷ niệm thời xuân ấy

Nét nhỏ vóc gầy khó nhạt phai

( Thơ Hoàng văn Quang)

————————-

Khúc số 3

Người đến làm chi người lại đi

Cho ta nhung nhớ dáng xuân thì

Trường xưa phố nhỏ Bình Long ấy

Đâu vắng xa rồi ta vẫn ghi

Dáng em nhẹ bước lúc tan trường

Đường xưa lối ấy ta vẫn thương

Cho ta cả một trời thương nhớ

Để đến giờ đây thương vẫn thương

(Thơ Hoàng văn Quang)

————————–

Khúc số 4

Bình Long mùa đông về

Lá cao su vội vàng hoe bên đường

Con chim líu tíu ngại ngùng

Run đôi cánh nhỏ nửa chừng quạnh hiu

Mây chờ chiều lãng đãng theo

Bóng cây Nguyễn Huệ lá gieo điệu sầu

Chuyến xe Kim Phụng giờ đâu?

Kim Long đổi bến cho sầu khách xưa!

Chia ly dạo ấy đến giờ

Đất Bình Long vẫn như chờ đợi ai!

(Thơ Trần văn Nghi)

THƠ VŨ NGUYỆT TRẦN

THÁNG TƯ, NGỒI NHỚ THÁNG TƯ XƯA

Tháng Tư đang rơi dần những ngày cuối cùng bên song cửa

Trời nắng như đổ lửa, ngồi nhớ đến mùa Hè năm xưa

Đất đỏ vùi nông chập chờn nhiều ngôi mộ

Buổi chiều tàn, rũ rượi những cánh hoa mười giờ

Anh còn nằm đó không, đêm mù sương Đồi Gió

Chị còn nằm đó không, trên mảnh đất vườn Chùa

Bao nhiêu năm qua, bao đêm trăng mờ

Tiếng thở dài của oan linh hay tiếng trở mình của lá

Tháng Tư của những trùng hợp oan khiên đến lạ

Có mấy người còn nhớ đến ngày xưa

Có mấy người còn nhớ đến ngày thơ

Còn mơ được đắm mình trong giòng sông tuổi nhỏ

Tôi đang muốn về Quản Lợi

Tìm xem nơi nào là Trại Trần Hữu Phương

Triệu người quen còn đây chút vấn vương

Xin cất tiếng chào nhau trong sương khói

Tôi đang muốn về Quản Lợi

Rồi trở ngược ra Bình Long

Hai bên đường chắc hẳn lá vẫn xanh

Đang che phủ những hố hầm ôm gọn những xác người thanh xuân bữa đó

Hôm nay, giữa trưa buồn nắng Hạ

Lại nhớ tháng Tư xưa

Xưa… bây giờ đã tận cùng xưa

Tôi như đang trôi về nơi ấy

Và tôi đang nghe thấy

Những khúc ca buồn như giun dế gọi nhau

Vũ Nguyệt Trần

THƠ NGOC DU LE

QUÊ TA ƠI !!!

Ta về quê cũ một mình

Đi ngang Xa Cát nhớ tình ngày xưa

Xa Trạch tí tách hạt mưa

Mưa rơi ướt áo cho vừa lòng nhau

Đường xưa lối cũ nghẹn ngào

An Lộc yêu dấu vẫy chào bạn thân

Tuy xa cách nhưng tình gần

Ta nâng tay phím bạn ngân câu hò

Hoàng hôn buông nắng đợi chờ

“Chân Trời Tím ” ngắt bụi mờ dấu yêu

Gió lay nhè nhẹ hắt hiu

Con đường kỹ niệm những chiều lang thang

Trường xưa in dấu địa đàng

Bây giờ nhớ lại ngỡ ngàng bước chân

Trời xanh điểm xuyết đóa vân

Yêu quê hương lắm bụi trần gian truân

NGOC DU LE

THƠ SONG KIM

NÉN HƯƠNG MÙA VU LAN

Tiếng ai từ Đồi Gió

Gọi vang vọng Đồng Long

Hồn oan trời An Lộc

Mơ xá tội vong nhân …

Hồn vất vưỡng Xa Cam

Hồn lang thang Xa Cát

Hồn bơ vơ Phú Lạc

Hồn lạc bước Cần Lê…

Hồn oan khiêng Sóc Bế

Hồn lạc ngõ Phú Miêng

Hồn rưng rưng Hưng Chiến

Hồn ngậm ngùi Tàu Ô …

Hồn mơ màng Xa Cô

Hồn dừng Chân Trời Tím

Hồn nhạt nhòa Sóc Xiêm

Hồn người Thượng và Kinh…

Xin quay về Lộc Ninh

Nghe suối mộng Thanh Bình

Về qua miền thanh tịnh

Mùa xá tội vong nhân !

Đây lối về Cầu Trắng

Lời tâm nguyện :Thành Tâm

Điếu văn vọng Chơn Thành

Dành cho anh cho chị…

Đây hương dâng Mộ Chí

Xin gởi chút ai bi

Mong Đức Phật từ bi

Nơi Niết Bàn tịnh độ

Ban cơn mưa Cam Lồ

Xóa niềm đau nhân thế…

SONG KIM

( Mùa Vu Lan 2012 )

THƠ TRẦN THIỆN TÍNH

KÍ ỨC MỘT THỜI

Tôi hẹn gặp em

Trên băng ghế đá

Đại lộ Hoàng Hôn.

Một chiều nắng hạ

Vùng cao đất đỏ

Buổi đầu gặp gỡ

Còn nhiều bở ngỡ

Mưa rào ập đến

Chia tay luyến nhớ

Không ngày tái ngộ

Phải chăng địa danh

Bình Long An Lộc

Bình an mọi nhà !

Lộc đến mọi người !

Nhưng đâu có ngờ

Mùa hè tháng 4/1972

Chiến tranh ập đến

Tang tóc bi thương

Người dân An Lộc

Phố phường làng mạc

Chìm ngập khói lửa

Ruộng vườn tan nát

Gia đình ly tán

Trời như đổ lệ

Mưa dầm đỏ đất

Xót thương dân đen

Vượt bao nguy khốn

Đi giữa làn đạn

Tìm đường thoát nạn

Bao người mất mạng

Quốc lộ 13 máu ?

Anh đi hay ở ?

Tuổi trẻ thời loạn

Nặng nợ núi sông

Súng bồng trên tay

Làm bạn thay đàn

Dưới chiến hào sâu

Làm hầm tránh pháo

Lấy ánh trăng sáng

Làm đèn soi sáng

Sáng những đêm tối

Không có pháo sáng

Tay tì cò súng

Canh giữ xóm làng

Nhưng có ngờ đâu

Thế sự hồi kết

Vận nước đã đổi

Ngày mới bắt đầu

Dòng người, xe cộ

Nối nhau thành hàng

Háo hức chốn xưa

Đi trong đổ nát

Tìm trong mất mát

Những gì còn lại

Xuất hành đường 13

Đến lộ Hoàng Hôn

Một chiếc tăng cháy

Chơ vơ giữa dốc

Chiếc văng pháo tháp

Nằm cạnh công viên

Cuối dốc Hoàng Hôn

Tượng Ki To vua

Hai tay dang rộng

Bao la nhân ái

Ôm người khốn khổ

Trải qua bão đạn

Sừng sững như xưa

Thăm mái trường xưa

Trường thành nghĩa địa

Mồ chôn tập thể

Mộ ba ngàn người

Chết bởi đạn bom

Mồ hoang xanh cỏ

Nước mắt rưng rưng !

Tim đau quặn thắt !

Nhớ lại người xưa

Em đã về xuôi ?

Khi cuộc chiến đến

Hay chung số phận

Những người dưới mộ

Hồn như chết lặng

Tay thắp nén hương

Không hoa, không quả

Chân quỳ trước mộ

Miệng thầm thì khấn

Khóc cho người chết

Sớm được siêu thoát

Nơi miền cực lạc

Nhớ lại ngày xưa

Mà ngỡ hôm qua

Lòng mãi vương vấn

Buổi đầu gặp gỡ

Hình ảnh thân thương

An lộc Bình Long !

Trần Thiện Tính

THƠ Đoàn Nguyễn Phương Minh

THÁNG TƯ THƯƠNG NHỚ

Quê hương tôi Bình Long

Bụi mùa khô nắng cháy da người

Quê hương tôi rừng cao su đất đỏ

Đất mùa mưa quyến luyến níu chân

Quê hương tôi làng 10,làng 9

Làng 1, làng 2, làng 3, làng 4

Lộc Tấn làng 5,những cái tên làng mộc mạc

Như Lộc Ninh chất phác quê tôi

Quê hương tôi Chơn Thành đất trắng

Minh thạnh, Hưng long, Xa cát

Cầu Tham Rớt ,Cầu Cần Lê, Cầu Nha Bích

Những nhịp cầu ngộ nghĩnh dễ thương

Quê hương tôi An Lộc êm đềm

Phú Đức, Phú Bình, Phú Hòa , Phú Thịnh

Phú Lạc, Thanh Lương , Sóc Du,Sóc Bế

Hưng chiến, Tổng Cui, Sóc Tranh ,Xa Trạch

Phố Lố,Xa Cô,Quản lợi,Trà Thanh

Và nhớ hoài em gái Xa Cam

Những cái tên ,nghe cứ nhói tim

Đã gợi về biết bao kỉ niệm

Những con đường dốc

Mỗi lần tan trường, lẽo đẽo theo em

Những đám khói,hơ mùa lạnh

Những cơn gió, mát mùa khô

Những buổi đi tắm tiên ngoài hầm đá

Những buổi chiều Chân Trời Tím

Đồng Long, đồi Gió, đại lộ Hoàng Hôn

Những ánh mắt hỏa châu Tống Lê chân

Những đêm chờ giặc đồn Hoa Lư biên giới

Với tháng Tư, mùa hè đỏ lửa

Đại lộ kinh hoàng ,quốc lộ máu 13

Với mồ chôn nghìn xác con người

Bao kỉ niệm trở về trong tháng tư thương nhớ

Đoàn Nguyễn Phương Minh

THƠ TRẦN ĐẠI THẮNG

QUÊ HƯƠNG

Ai có về vùng cao nguyên đất đỏ

Ghé chân về mảnh đất đượm tình yêu

Bình Long tôi bao cảnh sắc mỹ miều

Bao trai gái bao ân tình diệu vợi

Đồi Đồng Long vẫn tháng chờ năm đợi

Suối Thanh Bình rủ điệu khúc yêu đương

Dừa Nhà Tây rủ bóng mát miên trường

Hoàng hôn tím đưa tình vào kỷ niệm

Thác Số Bốn vẫn một lờI thề thốt

Đón tình ngườI đường ngập lá cao su

Đường Lộc Ninh lưu ánh mắt mùa thu

Dốc Xa Trạch gom mây sầu vương vấn

Rừng Núi Gió nhớ thương phai nhạt phấn

Khát tình ngườI hàng phượng vĩ khóc than

Bình Long tôi bao trai gái, dân làng

Yêu tiếng hát và câu hò mơ mộng

Ai nhớ về vùng quê hương tôi đó

Xin bước về vùng đất đỏ Bình Long

Chim vơi buồn lòng vơi bớt nhớ mong

Cho thắm đượm những cuộc tình xưa cũ .

Trần Đại Thắng 1972

* Ghi chú: Ban Biên Tập cáo lỗi không thể ghi hết các tên tác giả và nhiều bài thơ Hoài Niệm Bình Long vì số trang có hạn . BBT sẽ dành một “Trang Thơ” riêng cho quí vị yêu thơ và đồng hương Bình Long đang tiếp tục đóng góp cho văn thơ biên khảo ,

(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)

Quảng cáo/Rao vặt

9 Comments on Bình Long: Bức dư đồ chơn thật và những vần thơ hoài niệm 72

  1. Tôi nhớ mài mại,tại lúc đó tôi còn nhỏ tuổi quá,mới học lớp tư (lớp 2) .Có đọc bản thông cáo dán trên tường khu nhà ăn tập thể,về thực đơn của ông Tỉnh trưởng, có đóng mộc,ký tên hẳn hoi là Trung tá Nguyễn Văn Nhiều hay Nhiên gì đó ( Tức là Trung tá Tỉnh trưởng tiền nhiệm của ông Đại tá Trần Văn Nhựt,sao không thấy tên nhỉ ) .Sỡ dĩ tôi còn nhớ đến tên ông họ Nguyễn này,là vì tôi quá ấn tượng đậm nét khó phai nhạt trong ký ức tuổi thơ.Vì thực đơn gì hết 5 ngày toàn cá khô và rau muống,nuốt không trôi. 2 ngày là thịt bò toàn là hổ lốn phế thải,lưỡi,gân,mở,mắt bò và đuôi,cộng thêm những thứ bầy nhầy,thấy mà gớm. Mấy ông bỏ túi nhiều quá,nên đám nhà thầu cung cấp thực phẩm hàng ngày cho học sinh ăn, toàn là thứ rẻ tiền phế thải.Đến đời ông Nhựt thì ngon gấp 3 lần.Như vậy cho thấy là Tỉnh trưởng tiền nhiệm trước ông Nhật không tốt,tư lợi nhiều quá,ăn trên nỗi cơ cực bần khổ của đám học sinh.

    Thích

    • Bạn cho biết tên được không? Học lớp 2 khoảng 8-10 tuổi không biết bạn có nhớ chính xác không ?Có thể ông này ký thay ,TUN tỉnh trưởng để ký .Để tôi đưa lên trang Nhớ Trung học Bình Long hỏi xem có ai biết không?Bạn cho biết thêm lúc đó bạn học ở trường nào? Có hai trường có bếp ăn cho hs là Tiểu học Thượng và trường quân đội.Hay là bạn nhớ Thầy Nguyễn văn Nhiên ,trưởng ty Tiểu Học?

      Thích

      • Sorry nhe ,không phải thầy Nguyễn văn Nhiên là trưởng ty
        Năm 1965 có thầy Bùi Ngọc Nhiên làm hiệu trưởng TH An Lộc,lúc đó thầy Huỳnh Bửu Rớt làm trưởng ty tiểu học

        Thích

      • Nội trú Tiểu học thượng bạn à

        Thích

      • Chào Sơn
        Mình đã cho post cmt của bạn lên fb Nhớ Trung học BìnhLong và nhận được 3 phản hồi https://www.facebook.com/groups/436220413088765/
        1) Không có ai là Tỉnh trưởng tên Nhiều hay Nhiên tiền nhiệm ĐT Nhựt
        2)Chuyện bếp ăn trường học là do Hiệu trưởng quyết ,Ty Tiểu Học duyệt chứ không thể là Tỉnh trưởng ký thông báo được
        Vài hàng cho bạn rõ .Mời bạn vào fb https://www.facebook.com/groups/436220413088765/ đọc các bài về BL
        Chúc vui khỏe

        Thích

      • Mình chỉ nhớ là trung tá Nhiên,Nhiêu hay Nhiều gì đó.Còn thay mặt ủy nhiệm hay không,thì mình không để ý.Đến đại tá Nhựt thì cũng liệt kê các món thực đơn hàng ngày,nếu ngày đó thực phẩm đó không có,thì thay đổi món khác tương đương.Cũng ký tên đóng dấu và chữ ký của ông Nhựt.Mình rất hài lòng ông Nhựt.Thực phẩm cải tiến đáng kể.Âý vậy mà có lần đài truyền hình Saigon xuống tính quay làm phóng sự,mà họ chê kém chất lượng,rồi quay về đấy.Trường nội trú này gồm người Thượng ngụ tại Bình Long,người Miên ở Chơn Thành,Lộc Ninh và vài người kinh là tôi cũng ở Lộc Ninh,

        Thích

  2. anh Nguyet Dieu (Ty PTST BL) trả lời

    Ký túc xá Trường Tiểu Học Thượng Trực thuộc Ty Phát Triển Sắc Tộc,thực đơn do Bộ Phát triển Sắc tộc quy định qua hình thức đấu thầu của mổi Tỉnh .

    Ty PTST đối với Tỉnh theo hệ thống hàng ngang chỉ thông báo chứ không trực tiếp bởi quyết định của Tỉnh, Tỉnh không ký hay phê duyệt Thực đơn tại KTX

    Tôi không biết ai tên Nhiên hay Nhiêu ,Bà bảy Hiệp Thành thầu tại KTX/BL ,đây là Ký túc xá của Trường Tiểu học Thượng BL còn Ngọ Phạm Điếm gần nhà Đại úy Sỉ thì trưc thuộc Tỉnh sau này là chổ Quân Y BL.

    Mời bạn Sơn tham khảo

    Thích

  3. Tôi còn nhớ đại tá Phạm Văn Phúc về làm tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh năm 1974 sau đó bị bắt làm tù binh khi triệt thoái khỏi Long Khánh ngày 20/4/75.

    Thích

  4. Tôi còn nhớ đại tá Phạm Văn Phúc về làm tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh năm 1974 sau đó bị bắt làm tù binh khi triệt thoái khỏi Long Khánh ngày 20/4/75. Chứ không phải là tỉnh trưởng cuối cùng .

    Thích

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Bình Long: Bức dư đồ chơn thật và những vần thơ hoài niệm 72 – biển xưa
  2. Bình Long: Bức dư đồ chơn thật và những vần thơ hoài niệm 72 – Bến xưa
  3. Bình Long: Bức dư đồ chơn thật và những vần thơ hoài niệm 72 – dòng sông cũ
  4. Bình Long: Bức dư đồ chơn thật và những vần thơ hoài niệm 72 – Bến cũ

Gửi phản hồi cho nguyễn hưng Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.