Vui Buồn Với Tiếng Việt

Kính thưa các quý vị, em tên Nguyễn Thanh Hùng, em sinh năm 1980 tại ngôi làng nhỏ rất xinh đẹp của Vương Quốc Hòa Lan. Em xin kể hầu các quý vị về chuyện em đã học tiếng Việt Nam với người mẹ yêu quý của em như thế nào.

Trước khi bắt đầu kể về những điều vui, buồn, trong việc em học ngôn ngữ tiếng Việt, em xin nói để các quý vị biết, trong người em mang hai giòng máu Việt Hòa. Qua lời kể của mẹ em thì, mẹ em lập gia đình vào giữa tháng 3 năm 1975 với vị Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng của một binh chủng thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày tang tóc của quê hương miền Nam và đồng bào miền Nam, vị Thiếu Tá anh hùng kia đã bị bọn Việt cộng tập trung rồi sau đó bị bọn chúng giết để trả thù cho những việc làm mà, đối với tất cả đồng bào miền Nam đó là việc làm mà mọi người phải ghi nhớ mãi suốt cuộc sống ở trần gian; trong khi kẻ thù thì cho đó là “nợ máu với nhân dân”.

Mẹ em bị bọn Việt cộng kỳ thị, bị bọn chúng khủng bố bắt phải rời khỏi căn nhà ở Saigon để đi đến vùng rừng núi xa xôi và hẻo lánh sinh sống. Nơi vùng rừng núi hẻo lánh đó, mẹ em và những người miền Nam vẫn bị kỳ thị nên bị bắt làm những công việc nặng nhưng không có gạo để nấu ăn. Vì vậy mà mẹ em và nhiều người đành phải rủ nhau bỏ nước ra đi tìm tự do.

Giữa năm 1979, trên bản đồ của biển Đông xuất hiện một chiếc ghe nhỏ sắp sửa bị nguy khốn bởi cơn bão mạnh sắp kéo đến thì, một chiếc tàu chở hàng của Vương Quốc Hòa Lan xuất hiện. Và, chiếc ghe nhỏ bé và mỏng manh đã được cứu thoát. Vị thuyền trưởng nhân đạo sau đó đã sống với mẹ em và, em được sinh ra đời sau đó vào năm 1980.

Khi em bắt đầu học lên trung học thì mẹ em thường dạy em: “Tiếng Việt còn – nước Việt còn!” Cũng bởi vì nhận thấy tiếng Việt rất quan trọng cho những người được sinh ra và lớn lên ở hải ngọai như em, nên mẹ em đã để ra mỗi tối một tiếng rưỡi đồng hồ để dạy em đọc và nói tiếng Việt Nam.

Việc học tiếng Việt Nam của em phải nói là cười ra nước mắt, phải nói là dở khóc dở cười. Cười ra nước mắt là, cũng vì tiếng Việt mà em bị mất một cơ hội cưới người con gái đẹp. Tuyệt đẹp! Còn dở khóc dở cười là vì em đã phải khốn đốn mỗi khi gọi đến tên nó, tên của một món ăn ngon nổi tiếng của Việt Nam. Bây giờ em xin kể hầu các quý vị câu chuyện mà em cho là cười ra nước mắt. Câu chuyện đó như sau: Trong một lần em qua Paris thực tập, nhóm của em có năm người, mỗi người mang một quốc tịch khác nhau, trong đó có một anh mang quốc tịch Việt Nam tên là Thanh Tâm. Một ngày kia nhóm của em đến một vũ trường và em thấy có một cô gái Việt Nam làm trong quầy rượu. Phải nói là cô này đẹp tuyệt trần. Đẹp không thể nào có chỗ để mà chê được. Em muốn làm quen với cô ấy lắm mà em không biết phải nói năng ra làm sao. Một hôm em hỏi anh Thanh Tâm, dĩ nhiên em hỏi bằng tiếng Anh: “Xin anh chỉ cho em câu nói tiếng Việt Nam cách mời một người đàn bà Việt Nam khiêu vũ.”Anh Thanh Tâm vui vẻ đứng lên, anh để tay trái ra phía sau lưng khoảng ngang lưng quần, tay phải anh để trước ngực bên chỗ trái tim, người anh hơi cúi về phía trước một chút và vừa nở nụ cười anh vừa nói: “Thưa bà, tôi rất hân hạnh được mời bà nhảy với tôi bản này.” Cùng lúc đó bàn tay phải của anh đưa ra phía trước như là mời chào. Em đã tập động tác đó và tập nói câu tiếng Việt đó rất nhiều lần, và, anh Thanh Tâm xác nhận là em đã nói đúng đến một trăm phần trăm.

Một hôm, em mời cả nhóm năm người đi vũ trường nơi có cô gái đẹp người Việt Nam làm việc. Ngồi một lúc, em lấy hết can đảm đi đến trước mặt cô gái đó và làm động tác mà em đã thuộc lòng. Sau khi vừa nói dứt câu: “Thưa bà, tôi rất hân hạnh mời bà nhảy với tôi bản này…” và, em chưa kịp đưa tay ra phía trước như mời thì cô gái đó nhíu mày lại và nhìn em một cách rất ngạc nhiên và hỏi: “Anh nói cái gì?” Lúc đó em không hiểu cô ta nói gì, nhưng,  nhìn nét mặt của cô ta thì em nghĩ là em đã nói sai vì vậy em lập lại một lần nữa câu nói đó. Vừa nói dứt câu thì cô ta trợn hai con mắt lên nhìn em và nói: “Dzô dziên!” Rồi cô ta bỏ đi nơi khác.

Vừa ngượng vừa tức vì em nghĩ anh Thanh Tâm đã chỉ em một câu nói không hay. Trở về bàn, em cố gắng viết cái câu nói cuối cùng của cô gái Việt Nam vào cuốn sổ tay để sau này có dịp em sẽ tìm hiểu xem câu đó có ý nghĩa gì.

Nhìn anh Thanh Tâm cười nói rất hồn nhiên với các bạn cùng nhóm mà em thấy giận anh Thanh Tâm rất nhiều. Một khoảng thời gian thật ngắn sau đó, bất chợt anh Thanh Tâm đứng lên và đi đến bên cô gái đẹp đó. Nhân lúc anh Thanh Tâm đi lại phía cô gái, em đã gọi tính tiền và bỏ đi về trước sự ngạc nhiên của các bạn cùng nhóm.

Hai năm sau, tức là khoảng vài tháng trước đây. Bây giờ thì em đã nói rành tiếng Việt rồi. Một hôm em nhận được thiệp hồng mời dự đám cưới của anh Thanh Tâm và cô dâu Tố Quyên. Lúc đầu em dự định không đi vì em vẫn còn giận anh Thanh tâm. Nhưng, suy đi tính lại thì em thấy chuyện cũng đã qua lâu rồi nên em quyết định sẽ đến tham dự để chung vui với anh. Đến ngày dự cưới, khi em bước đến chúc mừng thì… Ô kìa! Sao cô dâu này em thấy quen quá mà nhất thời em không nhớ đã gặp ở đâu và khi nào. Còn cô dâu Tố Quyên thì cứ nhìn ngay em cười rất là thân thiện như thể là bạn cố tri của em vậy. Anh Thanh Tâm thì chỉ nhìn em và tủm tỉm cười một cách bí ẩn nhưng không nói gì cả. Em còn đang vận động trí nhớ thì cô dâu Tố Quyên đã để bó hoa cầm trên tay xuống bàn. Tay trái của Tố Quyên để ra sau lưng, tay mặt để trước ngực và hơi cúi mình về phía trước rồi nói với em: “Thưa ông, tôi rất hân hạnh được đón ông đến chung vui trong ngày vui của chúng tôi. Và, tôi rất hân hạnh được mời ông một lát nữa đây sẽ cùng tôi khiêu vũ.” A! Bây giờ thì em nhớ ra rồi. Tố Quyên chính là cô gái phụ giúp trong vũ trường năm xưa. Em còn chưa kịp có phản ứng gì thì Tố Quyên đã bước đến sát bên em và thân mật nắm tay em nói: “Em xin lỗi anh về vụ của năm xưa nghe. Hồi đó em đâu có biết là anh không biết tiếng Việt Nam.Thấy anh nói đúng giọng quá mà lại gọi em là bà trong khi em mới mười bảy tuổi nên em nghĩ là anh cố tình chọc em nên em giận và nói nặng lời với anh.”Anh Thanh Tâm cười thật vui và nói tiếp: “Anh đến mời Tố Quyên nhảy và, cũng từ lúc đó Tố Quyên và anh quen nhau. Khi anh đưa Tố Quyên trở về bàn thì mấy người bạn nói em đã bỏ về trước rồi. Đến khi Tố Quyên và anh quyết định làm lễ cưới anh mới đem hình bạn bè ra xem và để ghi thiệp mời, thì lúc đó Tố Quyên mới chỉ vào hình em rồi hỏi đó là bạn của anh đó hả. Sau đó Tố Quyên mới kể cho anh nghe chuyện em mời Tố Quyên nhảy và anh cũng kể cho Tố Quyên nghe em đã học cách mời người đàn bà nhảy đầm. Tại em nói là đàn bà nên anh tưởng phải là người lớn… chứ có dè đâu. Thôi, bây giờ đã hiểu nhau rồi thì ba đứa mình coi nhau như anh em. Anh đặt tên em là Thanh Hùng với đầy đủ ý nghĩa của tên… em chịu không?” Thế rồi ba đứa em ôm nhau cười lên hô hố và còn nhảy tưng tưng trước sự ngạc nhiên của nhiều người đang đứng chờ tới phiên đến chúc mừng.

Sau khi rời khỏi nhóm bạn ở Paris năm đó, em đến thực tập ở nước Tiệp Khắc. Trong một dịp cuối tuần em đang lang thang một mình trong vườn thú thì nghe có tiếng hỏi em: “Xin lỗi, anh có phải là người Việt Nam không?” Lúc đó em chưa hiểu câu hỏi này nhưng nghe có hai chữ Việt Nam nên em loáng thoáng hiểu vì vậy em gật đầu và trả lời bằng tiếng Anh: “Tôi là người Việt Nam nhưng tôi không biết nói tiếng Việt Nam.”

Đôi vợ chồng trẻ người Việt vừa hỏi em câu đó lấy làm ngạc nhiên lắm nên làm quen với em. Sau khi hiểu một phần nào về em thì đôi vợ chồng trẻ mời em về nhà ăn cơm.Trong bữa ăn hôm đó có một món mà em thấy ngon miệng lạ lùng nên em hỏi tên món đó. Người vợ trẻ trả lời em: Đó là món “LEM”. Kính thưa các quý vị, em xin lập lại là người vợ trẻ đó phát âm là LEM với chữ L rõ ràng. Em đã kín đáo lấy viết ghi vào sổ chữ đó để có dịp sẽ sử dụng đến.

Một tháng sau em có dịp đến miền Nam của nước Bỉ. Trên đường đi em gặp một nhà hàng Việt Nam. Đang đói bụng nên em liền đi vô nhà hàng. Em được một cô gái trẻ và khá đẹp đi đến bàn. Cô ấy hỏi em muốn ăn gì và em nói là em muốn ăn bún với LEM. Dĩ nhiên em chỉ phát âm chữ Bún Lem bằng tiếng Việt thôi. Nghe em nói chữ đó thì cô ta ôm bụng cười rồi nói: “Tiếng Việt Nam phải nói là NEM với chữ N chứ trong các món ăn Việt không có món LEM.” Em nhìn cô gái mà muốn kể cho cô ấy nghe về nguyên nhân vì sao em biết đúng có món ăn tên đó. Nhưng, em chỉ nói: “Cũng được. Cô cho tôi một chai bia luôn nhé.”

Một lúc sau, cô ta bưng ra cho em tô bún. Nhìn tô bún thì bây giờ đến phiên em ôm bụng cười. Cười đã một lúc rồi em mới nói: “Tôi đã nói với cô là Bún LEM vì tôi có ăn bún đó rồi mà. Không phải thứ này đâu. Nhưng không sao, cô cứ để đây tôi thử xem sao.” Và, khi em nhai miếng thịt em đã tưởng nhà hàng cho em ăn thịt sống đã bị hư và bây giờ lên men nên bị chua. Em len lén lấy một tờ giấy gói lại mớ thịt đó và cất vào trong cặp chờ lát nửa sẽ ra bỏ ngoài thùng rác.

Ăn hết tô bún không và đang buồn vì ăn không đúng như ý thì em nhìn thấy cô gái đó bưng một mâm LEM đến bàn gần đó. Mừng quá nên em nói thật lớn với cô ta: “Đó ! đó là món LEM đó.” Cô ta quay mặt nhìn em ngạc nhiên rồi nói sẽ đến bàn em ngay. Khi cô ta đến, em cho biết đó là món LEM mà em muốn. Cô ta kêu lên: “Trời ơi là trời. Đó là món CHẢ GIÒ đó anh ơi chứ không phải là LEM đâu. Còn món vừa rồi anh ăn thấy có ngon không?”- “Cô ơi, tôi nghĩ là nhà hàng làm lộn rồi, thịt còn sống và đã bị hư nên bị chua rồi cô à. Tôi không dám ăn nên gói vào giấy để lát nữa đem bỏ ngoài thùng rác.”- “Đâu! Đưa đây tui coi.” Em liền lấy gói giấy từ trong cặp ra thì cô ta lấy một miếng bỏ vào miệng và vừa nhai vừa nói: “Anh ăn đi nếu có chết thì… tui chịu cho. Đây là món ăn nổi tiếng của Viêt Nam mình đó nghe.” Nghe nói vậy và cũng thấy cô ta ăn cách rất ngon lành nên em cũng ăn thử. Phải công nhận là ăn món đó mà uống với bia thì… hết sảy luôn.

Sau khi thưởng thức xong món chả giò, em lấy viết và ghi tên món đó vào sổ.

Một tháng sau em có dịp qua nước Đức và trên đường đi em đã ghé vào Vietnammese Restaurant. Vì là đã quá trưa nên nhà hàng vắng khách. Đi ra tiếp em là em bé gái khoảng mười hai mười ba tuổi. Em nói em muốn ăn món LEM hay CHẢ GIÒ. Có lẽ cô bé cũng không rành tiếng Việt Nam như em nên cô bé trả lời là không có hai món đó. Em cố gắng tả hình dáng món đó cho cô bé hiểu vì em biết nhà hàng Việt Nam nào cũng phải có bán món đó. Sau một lúc thì cô bé hiểu ra và cô bé nói tên món ăn đó người ta gọi là… CHẢ RÁN.

Khi cô bé bưng ra cho em món… chả rán và cũng đúng đó là Lem và, cũng đúng là món Chả Giò, em thắc mắc là nên gọi tên nào cho đúng, chỉ có một món ăn rất ngon mà em phải nhức cả cái đầu và đôi khi cũng dở khóc dở cười mỗi khi muốn ăn món này. Nghe những lời thắc mắc của em thì từ sau cái quầy tính tiền, một người đàn ông đang nghỉ trưa và khá lớn tuổi bước ra. Ông ta khuyên em là nên học tiếng Việt cho rành vì dù sao em cũng là người Việt Nam mà không nói được tiếng Việt Nam thì đó là một thiệt thòi lớn. Ông ấy đã tặng em một quyển tự điển tiếng Việt và một quyển tự điển Việt Anh.

Bây giờ thì em đã hiểu, ở miền Bắc nước Việt Nam tên món ăn đó gọi là NEM hoặc là CHẢ RÁN chứ không phải là LEM. Đây chỉ là cách phát âm không đúng của một số người Bắc ở miền quê.

Ở miền Nam nước Việt thân yêu thì tên món ăn ngon đó gọi là CHẢ GIÒ. Món ăn và cũng là món để nhậu lai rai rất nổi tiếng của miền Nam nước Việt, mà đặc biệt là tại Thủ Đức hay tại Ninh-Hòa Khánh Hòa Nha Trang; đó là món NEM CHUA mà không một người Việt Nam nào mà không công nhận đây là món ăn ngon tuyệt cú mèo!./.

Topa (Hòa Lan)

Quảng cáo/Rao vặt

Leave a Reply

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.