hoànglonghải – Bèo giạt (7) – những bài thơ hay

 1           Sau khi tờ SHCĐ đăng bài thơ “Với Bóng” của Hoàng Vũ, tôi ghé thăm anh và mời lại chỗ tôi làm việc chơi. Anh đến thật. Thấy anh, mời ngồi chơi, tôi nói: “Bóng không có quyền lợi, không vì quyền lợi nên theo anh tới cuối đời. Vậy người ta gọi là chung thủy.”

            Anh Hoàng Vũ trả lời:

            – “Đời sống không thể có vô thủy vô chung. Hễ có thủy phải có chung. Có thủy mà không chung là vì ích kỷ. Người ta bỏ nhau là vì ích kỷ.”

            – “Tôi nhớ người xưa có nhiều nhận định rất hay về con người. “Gia biến biết con thảo, nước loạn biết tôi trung.” 30 tháng Tư, không chỉ đau cho công cuộc chống Cộng của người miền Nam mà đau cho cả tình người. Vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, chiến hữu, thầy trò. Nỗi đau đó kể sao cho hết.”

            – “Bỏ ngoài việc gia đình, chuyện riêng. Ngoài xã hội, anh biết những ai còn nhau?” Hoàng Vũ hỏi tôi.

            – “Chịu! Theo anh thì ai?” Tôi nói.

            – “Những ai đến với nhau không vì quyền lợi vật chất. Chỉ bằng tinh thần.”

            – “Anh muốn nói bạn văn? Bạn văn nào? Mấy cha háo danh, bỏ nhau lẹ lắm.”  Tôi cười, nói.

            – “Háo danh thì đâu còn là văn chương đích thực. Tôi muốn nói theo ý nghĩa đích thực, chân chính của văn chương.”

            – “Vậy anh còn lại ai? Nói như anh thì không ít đâu.” Tôi nói.

            – “May mắn, tôi còn đông.”

            Rồi anh kể tên, kể người để tôi viết bài trước, “Những người làm thơ cổ.” Nhưng tôi muốn anh cho tôi xem thơ của họ, đăng thơ của họ. Đó là nguyên ủy của những bài thơ sau đây:

Khóc Vũ Hân

Vũ Hân, quê Quảng Nam, bị tật bẩm sinh, là một nhà thơ, – tác giả thi phẩm “Diễm Trang”, nhà giáo nổi tiếng ở trường Bồ Đề Huế.

Sau 1975, ông bị buộc phải thôi dạy học, sống lây lất ở Saigon, vợ bỏ. Ông chết trong cảnh nghèo khó. Bài thơ nầy Hoàng Vũ khóc Vũ Hân khi nghe tin Vũ Hân qua đời.

                        Ức Vũ quân hề lệ mãn khâm

                        Trường Sơn Quảng địa nhất tinh trầm

                        Yên hoa phong bút, hồn như tại

                        Hà huống tao nhân ảo tỵ trần

            bản nôm:

                        Thấm bâu lệ nhớ bao lần

                        Quê hương bỗng xót một vì sao rơi

                        Bút hoa gởi lại với đời

Đành sao anh vội về nơi chia đường.

                        *

Nhất phiến tài tình vạn cổ thương

Nhàn văn độc khứ thệ hà phương

Ô hô! Thế sự mai trường mộng

Hốt kiến trần khôi sở đoạn trường

            bản nôm:

                        Tài hoa một kiếp thân thương

                        Cánh mây biền biệt cuối đường phiêu du

                        Mộng trường chôn chặt nghìn thu

                        Màu tro xám lạnh bùi ngùi tâm can

                                                            Hoàng Vũ

Bạch Hạc Qui Sào

            (Bài thơ nầy Hoàng Vũ làm lúc cùng đi với thi sĩ (bác sĩ) Thái Can, thi sĩ Thường Quán đến thăm thi sĩ Chính Hà mới từ Bắc vào, phải nằm bệnh. Chính Hà là cháu 7 đời Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc)

                        Lân cư bất thức hạc qui sào

                        Hạnh ngộ thi tình khởi hứng cao

                        Giả trí, giả năng, đô bạch phát

                        Nhi chung, nhi tứ thị hồng mao

                        Hoàng tâm nhất điểm thôi trần để

                        Thanh hải không chu nhận thủy trào

                        Lãm thúy ngô quân ưng trúng tuyết

                        Kim bằng lai khứ thưởng phong tao.

                                                            Hoàng Vũ

(bài nầy tôi không có bản dịch nôm)

Bài họa của Thái Can:

Thái Can (19101998) là một trong 40 nhà thơ được giới thiệu trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh. Thơ Thái Can phần nhiều đã đăng ở Phong Hóa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội Báo, Văn Học Tạp Chí, 1935. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh, tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Đông Dương, hành nghề bác sĩ tại Đà Nẵng, sau đó sang Hoa Kỳ.

Ngày 22/04/1998, nhà thơ, bác sĩ Thái Can qua đời tại California.

Ý nhi hạnh ngô phụng lai sào

Thanh khí giao tình trác vận cao

Thế sự hồi đầu song bạch mấn

Công danh đáo để nhất hồng mao

Ngã tri kim nhật duy tân phái

Thùy thức đương xuân quán cựu trào

Kim cốc chi lan nghinh đối ẩm

Đáp tình, sổ vận ký phong tao

                                                Thái Can tự Vọng Chi.

Giải thích (của Hoàng Vũ):

                        1- Chim ý nhi gặp chim phượng hoàng đến thăm nhà

                        2- Niềm thanh khí đã gởi lại bài thơ với vần điệu trau chuốt đẹp đẽ.

                        3- Việc đối đầu lúc mãn cuộc đời đều không tránh hai chòm tóc mai bạc thếch

                        4- Công danh cuối cùng như sợi lông bay

                        5- Tôi biết học phái ngày nay chọn tân học

                        6- Nhưng ai ngờ trong lứa tuổi trẻ trung nầy lại quán thông nền cổ học nữa,

                        7- Xin thân mời đến vườn kim cốc, chúng ta uống rượu và làm thơ với nhau.

                        8- Vài vần thơ thanh tao xin đáp lòng gởi đến bạn.

Ghi chú người viết:

Hoàng Vũ thường dịch ra quốc ngữ các bài thơ của thi hữu ông. Tôi không rõ hai bài nầy tại sao ông không dịch nôm, chỉ giải thích để tôi chép lại.

Hoàng Vũ đến thăm nhạc sĩ giáo sư âm nhạc Bửu Lộc.

            Trước 1975, nhạc sĩ Bửu Lộc phụ trách chương trình Ca Huế trên đài phát thanh Saigon mỗi trưa thứ sáu. Những người Huế lưu lạc vào tận miền Tây Nam Bộ như tôi, nghe ca Huế, có ai không buồn, không nhớ Huế không?!

                        Bên ngoài vũ trụ bao la

                        Bên trong vũ trụ là ta với đàn

                        Bên ngoài sông nước Hương Giang

                        Bên trong sông nước là đàn với ta

                        Còn non nước, còn cỏ hoa

                        Còn người tri kỷ, còn ta còn đàn.

 

Thơ Nhạc Sánh Ngôi

                        Đàn ai động phiếm thả hồn bay

                        Cùng với thơ ta quyện chốn nầy

                        Đàn gợi niềm vui đời lãng tử

                        Thơ ta vang dội khắp cung mây

 

                        Khanh với ta quen tự thuở nào

                        Quên rồi, việc ấy nghĩa gì đâu!

                        Đường tơ khanh gởi vào vô tận

                        Qua biển lòng ta những dạt dào

 

                        Đã trót làm thơ nên thẩn thơ

                        Quen nhau trong bước hẹn không ngờ

                        Ta đang nhặt lá mùa thu rụng

                        Nghe tiếng đàn khanh trẩy tiếng tơ

 

                        Trời bắt làm quen ta với người

                        Phải chi duyên nợ đã lâu rồi

                        Từ khi trái đất còn hoang vắng

                        Thì nhạc với thơ đã sánh ngôi

 

 

Tiễn Người Đi

                        Kính viếng hương linh thi sĩ Bàng Bá Lân

                                                                        Hoàng Vũ

                        Hạc trở về non, bỏ cuộc rồi

                        Đường trần gởi lại chuyện buồn vui

                        Mảnh thân dù liệm trong lòng đất

                        Hương bút còn bay giữa cõi người

                        Dìu dặt “Đàn Thu” cung phiếm loạn

                        Bàng hoàng thi xã lệ tâm rơi

                        Trăm năm là mấy! Sao anh vội?

                        Khóc tiễn người đi, bút nghẹn lời

 

Ghi chú:

Khi bài thơ nầy được phổ biến trên tờ Sinh Hoạt Cộng Đồng, có một cô gái đến chỗ tôi làm việc, tự xưng là con gái thi sĩ Bàng Bá Lân, gởi lời cám ơn thi sĩ Hoàng Vũ. Tôi thật vô ý, không ghi tên cô ta, cũng không ghi địa chỉ. Sau nầy thanh lọc, không biết cô ta đậu hay hỏng, cũng không biết bị cưỡng bức hồi hương hay định cư ở quốc gia thứ ba nào!!!

Viếng Mộ Song Thân

            Vì chinh chiến, tôi xa quê hương 20 năm, sau mới được về thăm mộ, xúc cảm công ơn cha mẹ, tôi làm bài thơ nầy để tạ tội với Hai Vị Song Thân – Hoàng Vũ.

                        Tích niên thử địa song đường tại

                        Kim nhật hoàng vân nhất đóa qui (1)

                        Nhất kiến song phần khô cảo lý

                        Cam đường đoạn đoạn bất thăng bi!

            dịch nôm:

                        Năm xưa bố mẹ nơi nầy

                        Giờ con mỗi một trong bầy về thăm

                        Nhìn đôi mộ, Cỡ mầu tang

                        Lòng đau như cắt, ruột đau rối bời.

                                                            Hoàng Vũ (1983)

            Năm  1990, mùa hạ, rằm tháng Tư, thầy Nguyên Đạt chùa Phật giáo trên Đồi Tôn Giáo tổ chức lễ Phật Đản rất trọng thể, trước nay chưa ai từng làm.

            Trước khi có thanh lọc, các sư sãi nhanh chóng được đi định cư ở Úc, ở Mỹ hoặc Canada. Ai cũng lo đi cho nhanh, nên ít ai để tâm lo tổ chức ngày vía cho Phật tử. Thầy Nguyên Đạt tới đảo sau ngày “đóng cửa đảo”, biết mình còn ở lại trại tỵ nạn lâu nên thầy lo tổ chức lễ Phật đản cho đồng bào Phật tử. Vã lại, thầy Nguyên Đạt là người có nhiều sáng kiến, có óc tổ chức nên trong suốt thời gian còn ở đảo, mỗi năm, mấy kỳ vía lớn, thầy tổ chức lễ rất trọng thể, ai nấy đều nô nức tới lễ chùa và ca ngợi công đức thầy Nguyên Đạt không tiếc lời.

            Năm đó (1990), tôi có ra số SHCĐ đặc biệt về lễ Phật đản. Anh Hoàng Vũ gởi tới đăng bài thơ hay:

                                    Hoa và Đạo

                        Hạ chí liên thành diễm khả lân

                        Khẳng tương hoa đạo ngoại khinh trần

                        Đạo khai trí tuệ thường an định

                        Hoa hướng tâm linh tự nhập thần

                        Đạo pháp như như hề quảng đại

                        Nhất chân lãng lãng thị huyền thâm

                        Nê trung bất nhiễm sương đầu thảo

                        Ý ngoại mê đồ sử tử xuân

            Hoàng Vũ (tự) dịch:

                        Tháng hạ sen khoe lộng lẫy màu

                        Vườn trần Hoa Đạo khác chi nhau

                        Đạo đưa trí tuệ vào viên mãn

                        Hoa hưóng tâm linh đến nhiệm mầu

                        Phật pháp rõ ràng duyên rộng lớn

                        Chân như bàng bạc lý cao sâu

                        Trong bùn không nhiễm sương đầu cỏ

                        Lòng nhẹ căn trần đẹp xiết bao!

            Khi nhân bài thơ nầy, đọc xong, tôi hỏi Hoàng Vũ một câu, bây giờ nhớ lại, thấy mình còn ngớ ngẩn, không biết chi về đạo cả:

            – “Anh theo đạo Cao Đài, tại sao còn làm bài thơ về lễ Phật?”

            Hoàng Vũ cười:

            – “Nếu đã đạt tới Đạo thì đâu còn là Phật hay không Phật, là Cao Đài Tiên Ông hay chúa Giê Su, Mô-ha-Mát. Khi người đi tu tìm về tới Chân Nguyên, đạt tới sự huyền vi của Đạo, có nghĩa là Đạo cũng không còn, không còn gì cả, là hư vô, nói chi tới Chúa hay Phật”

            Tôi rất tâm đắc câu trả lời của anh. Vì vậy, khi viết bài “Mùa Sen” tôi đưa bài thơ của anh làm phần kết.

            Làm báo và phát thanh ở phòng Phát Triển Cộng Đồng tôi được nhiều cái vui.

Trước hết là anh em bạn văn, bạn thơ, nghệ sĩ đến chơi đông đảo, chuyện trò, mặc dù chẳng có chuyện chi quan trọng cả, chỉ là đến chơi với nhau. Các anh em có máu văn nghệ văn gừng cũng đến góp bài, góp ý. Thậm chí, những anh em chẳng có văn nghệ văn gừng gì cả như anh Cao Dai, anh Kỳ (Khối Vệ Sinh), anh Khoa (Khối An Ninh), anh Võ Văn Loan (Khối Giáo Dục), anh Cựu Thiếu tá Trần Ngọc Bảy (bệnh viên SickBay), dĩ nhiên không thiếu nhạc sĩ Trường Sa và bạn thân của anh là cựu Hải Quân Trung tá Châu Ngọc Tuấn. Và mấy giáo sư dạy ở trường sinh ngữ, trường Pháp cũng đến chơi.

Có hai người đàn bà thường rủ nhau đến thăm và cho uống càphê, là một người gọi tôi bằng chú: Phan Thị Bạch Yến, trước kia là hoa  khôi trường Đồng Khánh, vợ bác sĩ Lê Văn Tập. Bạch Yến vượt biên cùng các con, bác sĩ Tập còn ở trong tù, vừa được Việt Cộng giảm án tử hình. Một người nữa, cũng nổi tiếng đẹp là Trần Như Minh Nguyệt, vợ Bửu Hạp, bạn đồng nghiệp với tôi khi tôi chưa nhập ngũ.

            (1) Kinh thi có câu: “Hoàng vân nhất đóa phi, Du tử hà thời qui?” Nghĩa là: Nhìn mây bay, không biết bao giờ con về. Câu nầy tương tự câu: “Huề thủ thượng hà lương, Du tử mộ hà chi” (Cầm tay nhau bước lên cầu, Hỏi chàng du tử chiều này đi đâu?) là ý trong câu “Hà lương chia rẽ đường nầy” trong “Chinh Phụ ngâm”. Cũng vì ý nầy mà tôi chê ông Du Tử Lê dốt chữ. Đúng ra thì ông ta phải viết “Lê Du Tử”, không thể nói ngược “Du Tử Lê” được. Xin Xem bài cùng tên trên các web.

2 Comments on hoànglonghải – Bèo giạt (7) – những bài thơ hay

  1. Lại phải cám ơn Cựu GS Hoành Long Hải nữa và dĩ nhiên còn phải mang ân ông rất nhiều,dù già tôi đã ngoài 8 bó,dù không học với ông ngày nào hồi còn mang thân phận người lính VNCH dốt nát,dù đang chìm đắm trong cuộc chiến chống “Giặc Cờ Đỏ”,vẫn cứ phải “ngày làm tối học tại các trường “Văn hoá quân đội”,”Nguyễn công Trứ”,”Vạn Hạnh” của Thầy Đức Nghiệp hầu trang bị cho bản thân chút ít hiểu biết,nhưng giờ đây,vẫn cứ phải tự học để cho bộ óc bã đậu bớt u-mê và ông lại chính là người thầy của lão nặc qua bàn gõ naỳ.

    Thật vậy,như câu nói của các cụ xưa mà GS nhắc nhở;-Gia biến biết con thảo,nước loạn biết tôi trung-và xin phép thêm-Bần cùng sinh đạo tặc (Riêng Các Bố tai to mặt lớn CSVN ngày nay thì ngoại lệ,vì đa số họ đã là những đại TB đỏ,nhưng họ còn cao hơn đạo tặc!),thực tế đời thường ,sau 1975,câu chót này đã hiển lộ nguyên hình những nhân vật gọi là có tri thức đầy mình với danh xưng BS,KS,DS,LS và đặc biệt vài vị mang danh Lãnh Đạo tâm linh quân chúng thì lộ ra những điều không thể có của người có văn hoá và có Tâm lớn,nhưng cái đói nó khiến con người trở nên sa đoạ là lẽ thường tình !!

    Đa tạ GS Hoàng Long Hải về vấn đề văn học cổ điển ,với bà Thuỵ Khuê, nhà phê bình văn học,tôi đã sáng dạ và giờ đây,với ông,tôi được rõ thêm ,nói theo VC là “Tấm cao Mới?!!”.Tôi sẽ chép lại những bài thơ theo lối Đường cổ của tác giả Hoàng Vũ ,cám ơn BBT và chúc mọi người luôn được an vui và có sức khoẻ tốt.

    Thích

Gửi phản hồi cho Anhcam Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.