hoànglonghải – “Không có ai biết đâu!”

1(nhan đề cũ: “Ông quan thanh bạch”)

Dương Chấn được bổ đi làm quan thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước kia được nhờ ông đề bạt cho vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya lại đem vàng đến lễ.

Dương Chấn bảo: “Trước kia, tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến biếu cho tôi ư?”

Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya, không ai biết đâu!”

Dương Chấn nói: “Trời biết! Đất biết! Ông biết! Tôi biết! Sao lại bảo là không ai biết!”

Vương Mật nghe nói, xấu hổ lui ra!

Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chăm chỉ việc dân, việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho mình.

Ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quí hơn là tiền của, ruộng nương lại cho chúng ư?”

Hậu Hán thư

Giải nghĩa:

Thanh bạch: thanh là trong, bạch là trắng. Giữ được phẩm hạnh trong sạch không có tì tích gì! Người làm quan mà thanh bạch, nghĩa là không làm điều khuất khúc, ăn lễ của dân là người thanh liêm.

Thái thú: chức quan đời xưa cũng giống như tri phủ gần đây.

Đề bạt: cất nhắc một người hoặc còn hàn vi, hoặc phải yểm trệ lên một địa vị nào.

Yết kiến: vào hầu người trên.

Cử: cất nhắc.

Tham nhũng: tham là thích của không chán; nhũng là quấy rối.

Lời bàn:

Làm quan như ông Dương Chấn đối với người mình đề bạt, không cần ơn, đối với dân mình cai trị không ăn lễ lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên, bạch nhật, chẳng cũng là một ông quan thanh liêm, đang làm gương cho bọn quan tham, lại nhũng muôn đời ư? Làm quan mà vơ vét cho nhiều chính mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thế, để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch thơm tho muôn thuở, chả hơn là cái của phi nghĩa chỉ làm cho chúng kiêu xa dâm dật rồi đi đến bại vong ư?

(Trích lại từ “Cổ Học Tinh Hoa”

của Ông Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân)

Ý kiến của người chép lại:

Người Cộng Sản thường tự hào về hai cái: Chế độ và đảng viên. Cả hai đều tốt, và tốt nhất, không chế độ nào, cán bộ nào có thể hơn.

Người Cộng Sản chống chế độ tư bản, dĩ nhiên, và cả chế độ mà họ là phong kiến. Họ gọi chung chế độ vua quan ngày xưa của nước Tầu và nước ta là “phong kiến”. (1)

Cộng Sản phê phán Chế độ phong kiến là xấu; vua quan ngày xưa đều xấu, tham lam, nhũng lạm.

Thật ra, văn hóa là quan trọng bởi vì văn hóa làm cho người ta biết phân biệt phải trái, đúng sai; dạy người ta phải làm điều phải, điều đúng. Đó lại chính là đạo đức.

Văn hóa cũ dạy cho người ta đạo đức. Từ đó, chế độ cũ có những ông quan đạo đức, thanh liêm như câu chuyện trong bài.

Đạo đức đó là gì, nếu không phải là Trời, là Đất. Trời-Đất chính là Lương tâm. Văn hóa của Tổ Tiên, của Dân Tộc là “Văn hóa trời đất”, là “Văn hóa của lương tâm”.

Dù dưới chế độ quân chủ chuyên chế thời vua quan hay thời Cộng Hòa, người Việt Nam luôn luôn bảo tồn văn hóa nên chế độ có những ông quan, những người cầm quyền có lương tâm.

Bỗng nhiên, xã hội thay đổi chế độ chính trị và thay đổi cả đạo đức, bởi vì xã hội mới cần có đạo đức mới. Đạo đức mới là đạo đức xã hội xã hội chủ nghĩa”. Muốn có đạo đức xã hội chủ nghĩa thì phải có xã hội chủ nghĩa. Đó là “lời dạy” của Hồ Chí Minh, là “kinh điển Mác-Lênin”

“Xã hội xã hội chủ nghĩa” là cái không bao giờ có nên cái ông Hồ gọi là “đạo đức xã hội chủ nghĩa” cũng là cái không bao giờ có.

Thành ra, không kể các nước xã hội chủ nghĩa trước kia và bây giờ, hoặc chỉ nói riêng ở nước ta bây giờ là xã hội mới, là không có đạo đức hay còn gọi là vô đạo đức.

Nói như thế là đúng với luận lý (logique) và đúng với thực tế xã hội.

Từ những kẻ vô học, ít học, sau bao nhiêu năm gian khổ, chết chóc, hy sinh cho đảng (Cộng Sản) người ta bây giờ cần được đền bù cái gì chứ.

a)-Nửa thế kỷ trước, “Cải cách ruộng đất” chỉ là tước đoạt tài sản của người giàu đem chia cho bần nông, cố nông, là những người theo đảng”.

b)-Cai trị nửa miền Bắc, tước đoạt nhà cửa, tài sản của những người di cư, đem cho cán bộ Cộng Sản, cũng là cách thưởng công cho họ.

c)-Cai trị toàn thể đất nước, tước đoạt tài sản của người miền Nam, tham nhũng, hối lộ, bán đất, bán sông, bán biển… cho người ngoại quốc để lấy tiền, để giàu có… Có cái gì mà người Cộng Sản VN không dám làm, không làm được.

d)-Trong các chế độ độc tài, lạc hậu, tham nhũng thông thường có “hệ thống”. Hệ thống từ dưới “cống nạp” lên trên; trên “bao che” cho dưới. Trong xã hội VN ngày nay, hệ thống tham nhũng trở thành tập đoàn. Đó là “tập đoàn tham nhũng Cộng Sản” vậy.

Đánh đổ “đạo đức phong kiến”, đánh đổ “văn hóa tư sản”, nhưng không xây dựng được “đạo đức chế độ xả hội xã hội Chủ nghĩa”, thử hỏi, xã hội Việt Nam ngày nay được “cai trị” bằng một thứ đạo đức gì? Đạo đức của “giai cấp vô sản”, của bần nông, cố nông hay “đạo đức Chí Phèo.”

Trong viễn tượng đó, làm gì có “ông quan thanh liêm” mà chỉ có những ông “quan Cộng Sản”.

Không ai cho rằng ông “quan Cộng Sản” có lương tâm, có Trời, có Đất mà chỉ có “đảng”. “Đảng” có lương tâm hay không?

“Lương chồng, lương vợ, lương con

                         Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm

                        Lương tâm đem chặt ra hầm

                        Chồng chan, vợ húp, khen thầm là ngon

                                                (Ca dao thời Cộng Sản VN)

            Không thể cho rằng “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” là có lương tâm. Lương tâm là đối với mọi người, không chỉ với gia đình, con cái mình. Đồng tiền có được mà không đổ mồ hôi nước mắt là đồng tiền phi nghĩa. “Của phi nghĩa có giàu đâu, Ở cho ngay thật giàu sau mới bền” dù có để lại tiền của cho con thì nó sẽ như Ôn Như và Tử Văn nói ở trên:

“… chả hơn là cái của phi nghĩa chỉ làm cho chúng kiêu xa dâm dật rồi đi đến bại vong ư?

 hoànglonghải

(1)-Nước ta chỉ có chế độ quân chủ. Tầu mới có chế độ phong kiến. Phong kiến là rút gọn bốn chữ “phong tước kiến địa”, tức là chế độ có lãnh chúa, như thời phong kiến châu Âu như trong câu chuyện tình Roméo Juliette.

Quảng cáo/Rao vặt

Leave a Reply

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.