Topa – Chiếc Xe Thổ Mộ

Vừa ngồi xuống ghế là tôi liền có cái cảm giác người ngồi ở cái bàn phía sau lưng đang nhìn chằm chằm vào gáy tôi. Cái cảm giác đó mạnh lắm, mạnh đến độ làm cho tôi tưởng chừng như người ngồi phía sau đang đưa súng ngắm vào gáy của tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có cái cảm giác vô cùng khó chịu này. Tôi muốn quay đầu nhìn lại cái bàn phía sau lưng xem ai đang ngồi đó nhưng, tôi lại do dự để rồi không quay lại.

Ngụm café đen thơm, ngon, vừa trôi qua cổ họng là tôi chợt nghĩ, chẳng lẽ người ngồi phía sau tôi lại cảm thấy thấy lạ là tại sao một ông già đã bảy mươi bảy tuổi rồi mà lại lạc vào cái quán café nhạc trẻ này để làm gì. Khách đến quán café này chỉ thuộc thành phần giới trẻ thôi. Nếu đúng như tôi nghĩ thì người đang ngồi bàn phía sau lưng tôi là khách mới của quán nên không biết tôi đã đến đây gần như mỗi tuần một hoặc hai lần, và đến từ nhiều năm qua. Tôi quen cái không khí ở quán này và thích uống café ở đây vì vừa thơm mà lại ngon. Hơn nữa café không bị pha trộn những tạp chất bậy bạ vào.

Cái cảm giác bị người ngồi bàn phía sau nhìm chằm chằm vào gáy làm tôi khó chịu quá nên tôi quyết định nhìn xem người đó là ai. Tôi giả bộ đứng lên và đi ra khỏi quán để đến nói chuyện với anh giữ xe. Câu chuyện chỉ là hỏi anh mấy giờ rồi và không đợi anh trả lời tôi lại đi trở vào quán. Tôi thoáng thấy anh giữ xe nhìn theo tôi với ánh mắt như ngơ ngác không hiểu tại sao tôi hỏi mà không cần nghe anh trả lời.

Từ ngoài cửa tôi nhìn vào trong quán. Cái bàn phía sau lưng tôi không có người ngồi mà sau cái bàn đó – đúng như tôi đã nghĩ – có một cô gái trẻ – thật trẻ – ngồi một mình với một vật gì đó để trước mặt mà hai tay của cô đang mân mê nó như đó là món đồ vật rất quý giá. “Có lẽ cô gái mới vào quán trước mình không lâu.” Tôi nghĩ vậy. Khi tôi đi đến gần thì cô gái bỗng ngước mặt lên nhìn ngay mắt tôi rồi liền nhìn xuống cái vật mà cô đang mân mê, rồi cô lại ngước lên nhìn tôi như muốn nói với tôi một điều gì. Tôi không dám nhìn ngay mắt cô gái nên tôi kéo ghế ra và ngồi xuống.

Gương mặt của cô gái nhìn quen quá. Chắc chắn tôi đã có gặp cô gái này ở đâu đó rồi mà nhất thời tôi chưa nghĩ ra. Với tôi, không có gì bực bội bằng phải suy nghĩ để nhớ ra một điều gì đó, bởi lẽ đến hôm nay nữa là tôi đã sống trên mặt đất này được bảy mươi bảy năm mười một tháng và mười lăm ngày tròn thì bộ óc làm sao còn minh mẫn được như thuở nào nữa. Để nhận diện khuôn mặt của một người quen mà lâu ngày chưa gặp lại đã là chuyện khó khăn rồi, huống hồ chi đây lại là người không quen.

1Tôi muốn quên chuyện đang làm cho tôi khó chịu nên tôi rút điếu thuốc ra gắn lên môi và bật lửa hút. Ngụm khói thuốc lá đầu tiên vừa qua khỏi cuống họng và đang len lỏi vào hai cái lá phổi cũng là lúc tôi vừa chợt nhớ ra tôi đã gặp cô gái này hai lần cách nay cũng chỉ độ một vài ngày mà thôi. “Đúng ả là gái điếm rồi.” Nhưng, tôi đâu có gì để mà ả phải theo tôi. Hai lần trước tôi gặp ả khi đang đi bộ từ nhà đến quán café này và hai lần đó ả đều đứng cùng một chỗ, đứng trước cổng của công viên, như thể là ả đang chờ đợi người quen. Gặp tôi ả cứ nhìn ngay mặt làm tôi có cảm tưởng như là ả đứng đó là để chờ gặp tôi. Tôi thì già quá rồi, vả lại tài chánh cũng đâu có rộng rãi gì và hơn nữa tôi cũng đã… “xếp bút nghiên” từ gần cả chục năm nay rồi nên tôi chỉ nhìn phớt qua gương mặt kiều diễm và thân hình đầy khêu gợi của ả rồi đi thẳng. Nhưng, trong lòng tôi cũng dậy lên ý nghĩ tội nghiệp cho ả quá. Một người con gái còn trẻ và khá đẹp mà phải đem thân cho đủ mọi hạng người dày vò thì cũng uổng lắm chứ. Phải chi tôi còn trẻ… Tôi quay nhìn lại phía sau định xem ả đang làm gì nhưng… Cái bàn mà tôi đã thấy ả ngồi nay lại hoàn toàn trống trơn không có một người nào ngồi ở đó cả. Tôi nghĩ có lẽ ả đi vào phòng vệ sinh. Tôi rút tiếp điếu thuốc khác ra hút và chờ đợi. Tôi chợt nhớ ra là nếu tôi vào sau ả thì tại sao tôi đã có ly café trước lúc tôi bỏ ra khỏi quán để đến nói chuyện với anh giữ xe, mà ả thì lại chưa có. Tôi quay lại thật nhanh và nhìn trên bàn của ả vì tôi chợt nhớ ra là ả có để một vật gì đó trên bàn. Tôi nhìn kỹ vật đó thì biết đó là chiếc xe thổ mộ – chiếc xe ngựa. Tôi ngoắc cô tiếp viên lại:

– “Cô gái ngồi ở cái bàn đó đi đâu rồi cô có biết không?”

Thay vì trả lời tôi, cô tiếp viên lại quay mặt hướng ra cửa rồi tủm tỉm cười như thể cười tôi là ông già đang… hứng tình.

– “Này, không phải tôi muốn hỏi cô gái đó là vì ba cái chuyện… khỉ như cô nghĩ đâu nhé.”

Thấy tôi làm vẻ mặt nghiêm, vả lại tôi cũng là khách quen của quán từ bao lâu nay nên cô tiếp viên cúi xuống thấp một chút như muốn nói chỉ cho đủ một mình tôi nghe thôi:

– “Bác… à. Có lẽ đèn trong quán mờ quá nên làm cho bác tưởng… chứ đâu có ai ngồi ở cái bàn đó đâu bác.”

– “Ơ… Tôi mới thấy…”

– “Trước khi bác vào đây thì ba cái bàn này luôn trống.”

Tôi cảm thấy bực mình quá vì chẳng lẽ mắt tôi đã quáng gà rồi hay sao. Tôi thấy không cần thiết phải tốn thêm hơi sức nữa nên nói:

– “Ừ, có lẽ tại vì ánh đèn trong quán. Tại vì mắt tôi mờ, mắt tôi lòa, mắt tôi quáng gà… Thế cái xe ngựa, xe thổ mộ kia là của ai?”

Cô tiếp viên bước lại cái bàn mà tôi đang chỉ tay và cầm chiếc xe thổ mộ lên ngắm nghía với nét mặt như ngơ như ngáo. Cô tiếp viên lớn tiếng hỏi người ngồi ở quầy tính tiền:

– “Chỗ này có khách ngồi không chị?”

Người kia lắc đầu. Thấy vậy tôi ngoắc cô tiếp viên lại gần và cầm cái xe thổ mộ rồi cũng nhìn ngắm thật kỹ. Đây là loại xe dùng một con ngựa kéo để chở hàng và chở người rất thịnh hành vào khoảng giữa thế kỷ thứ hai mươi. Nhìn kỹ hơn tôi thấy bên hông chiếc xe có ghi hàng số 13 – 09 – 1947. Tôi định đưa chiếc xe lại cho cô tiếp viên nhưng, ngay lúc đó tôi bỗng giật nẩy cả mình lên và nhìn lại một lần nữa hàng số. Tôi nhìn nhanh lên tấm lịch treo tường, tờ lịch của ngày 13 – 09 – 2009. Mồ hôi lạnh trong người tôi bỗng tuôn ra như đang tắm và chạy dọc theo sống lưng làm chỉ trong có tíc tắc đã ướt đẫm nguyên cái lưng của tôi. Tôi vừa chợt nhớ ra khuôn mặt của cô gái mà tôi đã gặp tổng cộng ba lần là ai rồi.

Tôi nhìn chiếc xe thổ mộ không chớp mắt. Mặt của tôi lúc này chắc chắn phải nhợt nhạt lắm vì mồ hôi đang chảy dầm dề từ trên trán xuống mặt làm cho cả hai con mắt bị cay sè. Tôi đã như người bị mất hết hồn vía nên lảm nhảm nói:

– “Như vậy là tôi chỉ còn sống đúng có một tháng. Như vậy là tôi chỉ còn sống đúng có một tháng… Cô có biết như vậy không? Như vậy là tôi chỉ còn sống đúng có một tháng…”

Tôi đứng bật lên như cái lò xo bị bung mạnh ra và liền đi khỏi quán đến quên cả trả tiền ly café.  Có lẽ cô tiếp viên của quán nghĩ tôi đang lên cơn điên đến nỗi nói lảm nhảm chỉ có một câu nên cô sợ mà vì vậy cô không gọi tôi lại chăng? Tôi cứ vừa đi vừa lảm nhảm chỉ một câu đó cho đến khi bước chân vào nhà.

***

Đã năm tháng trôi qua kể từ ngày gia đình tôi dọn về ở trong khu đồng ruộng vắng vẻ vùng ĐaKao này. Chung quanh khu nhà tôi, tôi đếm được chỉ có tám căn nhà và tổng cộng có hai mươi mốt người.Thời gian đó toàn thành phố Saigon Gia Định dân cư vẫn còn rất thưa thớt nên ngoài những khu trung tâm thị tứ ra, những vùng xung quanh phần nhiều vẫn còn là những khu hoang vắng đầm lầy hoặc ruộng lúa và sông ngòi chằng chịt. Gia đình tôi chạy loạn từ miền Trung vào và cũng không khó khăn lắm để kiếm được một miếng đất dựng lên một căn nhà khá lớn… ở đây.

Tôi là con trưởng trong gia đình và có bốn người em. Năm đó, năm một chín bốn bảy tôi đã mười bảy tuổi rồi nên tôi cũng muốn phụ giúp gia đình bớt gánh nặng trong sinh hoạt thường ngày nên tôi đã nhờ bạn bè cùng lớp giúp tôi tìm một chỗ dạy học cho trẻ em mà về sau này người ta gọi là, dạy kèm trẻ tại gia.

Rồi một ngày kia tôi được bạn bè giới thiệu một công việc đúng như ý muốn là dạy kèm cho bốn em nhà ở vùng Phú Nhuận. Ngày đầu đến nói chuyện, tôi không dấu nỗi vẻ thất vọng khi được cho biết công việc chỉ bắt đầu vào lúc bảy giờ tối và kết thúc lúc chín giờ ba mươi. Thất vọng là vì nơi mà tôi mỗi tối phải đến dạy kèm cách nhà tôi cũng khoảng sáu cây số mà lại là khu vực quá vắng vẻ. Phía sau hai dãy nhà mặt tiền ở con đường chính vẫn còn là những cánh đồng lúa nên sẽ không có xe chạy vào thời gian tôi chấm dứt công việc và, nếu phải đi bộ về nhà thì tôi không dám vì đường quá vắng vẻ và âm u. Thật sự thì tôi cũng sợ ma lắm. Thấy tôi có vẻ lo lắng nên ông bà chủ hỏi:

– “Cậu thấy có điều gì không vừa lòng thì nói cho chúng tôi biết?”

– “Dạ… chín giờ rưỡi thì trễ quá mà cháu lại không có phương tiện di chuyển…”

– “Chuyện đó không sao đâu vì chúng tôi thấy mới đây có chiếc xe thổ mộ đến đậu ngay chỗ ngã tư Phú Nhuận. Nếu cậu đồng ý công việc và điều kiện thì chúng tôi sẽ chịu luôn tiền xe cho cậu. Cậu cứ hỏi xem giá cả như thế nào rồi cho chúng tôi biết.”

Tôi cám ơn sự ưu ái của ông bà chủ và hẹn tối ngày mốt sẽ bắt đầu công việc.

Đi bộ từ nhà ông bà chủ ra đến ngã tư Phú Nhuận thì tôi nhìn thấy một chiếc xe thổ mộ đã đậu ở ngã tư rồi. Vị chi tôi mất đúng mười tám phút đi bộ từ chỗ làm việc ra đây. Thấy tôi nhìn chiếc xe, người xà ích già lên tiếng mời chào:

– “Mời cậu đi xe.”

– “Về Đakao… bao nhiêu bác?”

– ‘Dạ, sáu cắc.”

Nhìn thấy trong xe không có người hành khách nào nên tôi hỏi:

– “Còn bao lâu nữa thì chạy vậy bác?”

– “Dạ, cứ đúng mười giờ ba mươi dù không có khách thì cũng chạy cậu à.”

– “Mỗi đêm đều đúng giờ như vậy hả bác?”

– “Dạ.”

Đường xá Sàigòn vào những năm cuối của thập niên bốn mươi còn rất vắng vẻ, cả ban ngày cũng vậy. Đường thì rộng thênh thang nhưng rất ít xe cộ và người. Mỗi đêm tôi đi bộ từ nơi làm việc ra đến chỗ có xe thổ mộ luôn luôn cũng chỉ có một mình tôi chứ tuyệt nhiên không thấy một người nào trên đường. Thảng hoặc tôi mới thấy một chiếc xe chạy qua. Nhà ở hai bên con đường Võ Di Nguy từ ngã tư Phú Nhuận lên đến Đakao thì hầu hết sau chín giờ đêm đều đã then cài cửa đóng. Những cây đèn điện ở hai bên đường không đủ soi sáng lắm, nhất là khoảng từ chợ Phú Nhuận lên đến cầu Kiệu. Có lần tôi đã nghĩ quẩn là nếu chẳng may có một bọn cướp nào đó xông ra chận chiếc xe thổ mộ bắt người xà ích và tôi lôi vào con đường hẻm nào đó để tra khảo của thì cũng chẳng có ai dám đến cúu chúng tôi. Cảnh sát cũng chưa chắc đã dám can thiệp nữa nói chi đến người dân.

Có những lúc tôi cũng sợ hãi khi nghĩ vu vơ về những chuyện ma quỉ hiện ra nhát người đi đường mà tôi thường được nghe ba má tôi kể lại, nhưng rồi tôi vội gạt những ý nghĩ đó ra khỏi đầu ngay. Tôi không muốn tự làm cho mình hèn nhát. Từ đêm đầu tiên cho đến hôm nay cũng chỉ có một mình tôi là khách nên có đôi lúc tôi nhìn người xà ích từ phía sau lưng và thấy ông ta thật bình thản nên cũng có phần yên tâm hơn và bớt suy nghĩ hơn.

Đúng một tháng và một tuần làm việc trôi qua trong êm đềm thì, một đêm kia – thường thì tôi  ngồi quay lưng lại với người xà ích và để hai chân được thòng xuống cái bàn đạp dùng để cho khách bước lên xe – tôi đang nhìn trời và cảnh vật hai bên đường, mặc dù cảnh vật vẫn giống như mọi đêm, nghĩa là ở những nơi có cột đèn đường thì còn sáng chứ từ chợ Phú Nhuận lên đến cầu Kiệu thì không. Đột nhiên chiếc xe thổ mộ từ từ chạy chậm lại. Tôi quay nhìn ra phía trước thì thấy có người đứng bên đường đang đưa tay ra đón xe. Tôi chuyển chỗ ngồi và tránh qua một bên thì cũng vừa lúc người xà ích lên tiếng:

– “Cô về đâu cô?”

– “Qua khỏi cầu Kiệu bao nhiêu tiền hả chú?”

-“Dạ, ba cắc cô ạ.”

Khách là cô gái mà vì chỗ cô đứng đón xe không có ánh đèn nên tôi không thấy được rõ mặt. Cô gái thoáng nhìn tôi với cử chỉ hơi lúng túng khi tìm cách bước lên xe vì cái bàn đạp có hơi cao mà tay của cô thì đang ôm mấy quyển sách. Cuối cùng thì cô gái cũng bước được lên xe và ngồi giống như tôi đang ngồi. Nghĩa là cũng để hai chân thòng xuống chỗ có bàn đạp. Có lẽ cô gái không muốn ngồi hẳn vào trong xe vì như vậy hai chân của cô phải bị co lại.

Tôi rất vụng về trong giao thiệp, nhất là với phái nữ. Có thể nói là chưa có một lần nào tôi có dịp trò chuyện thân mật với một cô gái nào cả. Tuy đang là ban đêm và trời lạnh, nhưng tôi cảm thấy mặt nóng bừng lên khi xe chạy ngang qua chỗ có ánh đèn điện và tôi liếc nhìn lướt qua người con gái để nhận ra là nàng rất đẹp. Đẹp lắm! Tuổi của cô nàng có lẽ cũng bằng tuổi của tôi. Mùi thơm da thịt từ người của cô nàng tỏa ra làm tôi ngây ngất và càng làm cho tôi rụt rè hơn. Người con gái từ khi thấy tôi nhìn lén thì từ đó nàng chỉ cúi mặt nhìn xuống đường như thể người ta muốn tìm kiếm vật gì đó dưới đường. Cô nàng luôn ôm sát mấy quyển sách vào trước ngực như sợ nó sẽ bị người ta cướp đi mất. Thỉnh thoảng cô nàng cũng có ngước mặt lên một chút và rồi lại nhìn xuống mặt đường ngay. Mỗi lần chiếc xe thổ mộ nghiêng qua ngã lại vì mặt đường gập ghềnh rồi sự đụng chạm giữa cô nàng và tôi làm cho cô nàng giống như con giun khi cô co hai chân lên và thân mình như muốn thu nhỏ lại để… ẩn mình. Những lần như vậy tôi chỉ biết nói lí nhí trong miệng hai tiếng xin lỗi mà tôi thì không biết cô nàng có nghe được hay là không.

Xe vừa chạy lên giữa cầu thì cô nàng quay đầu lại nói với người xà ích:

– “Ngừng ở ngay dốc đầu cầu nghe chú.”

Sau khi trả tiền, cô nàng bước xuống xe rồi thoăn thoắt đi xuống những bực thềm để đi vào xóm nhà nào đó mà tôi cố giương cho thật lớn hai con mắt lên nhìn theo chiếc áo dài trắng của cô nàng cho đến khi mất hút. Vậy mà tôi cũng không thấy một nhà nào có ánh đèn cả.

Đêm ngày hôm sau và hai đêm kế tiếp, cũng đúng tại địa điểm cũ, người con gái cũng ra đón xe và người xà ích cũng lập lại lời mời khách như ông đã từng mời tôi và cô gái lần đầu tiên.

Ngày mai thứ bảy cuối tuần tôi được nghỉ. Nhưng ông bà chủ muốn mời tôi dùng bữa cơm với gia đình. Nếu không vì muốn gặp lại cô gái cùng đồng hành ba đêm liền thì tôi đã từ chối vì công việc ở nhà và ở trường quá nhiều.

Cả ngày thứ bảy tôi cứ nhớ mãi về người con gái cùng đồng hành trên một đoạn đường ngắn ngủi và tự hỏi nàng làm gì và từ đâu đi ra đón xe vào thời điểm mà trên đường gần như hoàn toàn không còn một người bộ hành nào qua lại. Hay… cũng có thể lắm. Có thể cô nàng cũng đi dạy kèm như tôi chăng? Rõ ràng là cô nàng cũng có ôm một chồng sách giống như tôi vậy. Nhưng, cô nàng trú ngụ ở căn nhà nào trong cái khu còn đầy ruộng nước hoang vắng mà cách phục sức của cô nàng thì lại quá… sạch sẽ với cái áo dài trắng tinh? Chắc chắn cô nàng không thể là… tôi vội xua đuổi  ý nghĩ kinh dị vừa thoáng qua trong đầu và tin rằng cô nàng không thể là ma quỷ hiện lên để chọc ghẹo, để nhát tôi. Chắc chắn cô nàng cũng đang dạy học như tôi vì tối nay thứ bảy mà cô nàng không ra đón xe như ba hôm trước thì tôi đã nghĩ đúng. Và, đúng như tôi đã dự đoán, tối thứ bảy hôm đó cô nàng không ra đón xe.

Tối ngày thứ hai đầu tuần bà chủ cho tôi được về sớm một tiếng rưỡi vì lũ trẻ sẽ được bà đưa đi đâu đó. Được về sớm hơn một giờ, tôi thả bộ ra ngã tư Phú Nhuận. Người xà ích và chiếc xe thổ mộ chưa đến. Thời gian còn hơn cả giờ đồng hồ nên tôi đi dọc theo con đường Võ Di Nguy để nhìn ngắm các cửa tiệm. Ngay tại ngã tư phiá tay trái tôi hướng về cầu Kiệu có một vườn ươm cây rất lớn hiện đã đóng cửa. Đối diện phía bên kia đường là nhà may Âu phục Bảo Toàn mà tôi định đến kỳ lương tôi sẽ vào đó may vài bộ; hiện cũng đã đóng cửa. Xa hơn một chút là một ngã ba đường chưa được trải nhựa và rất nhỏ. Xa hơn một chút có ngôi trường làng tên Võ Tánh và sát ngay bên là tòa nhà của Hội Đồng Xã Phú Nhuận mà tôi thấy hình như có một người lính đứng gác phía trước cổng. Xa hơn chút nữa về phía bên trái có một khu đất rộng lớn mà người ta đang chuẩn bị xây một rạp chiếu phim nhỏ trên đó mà ông bà chủ đã có nói cho tôi biết, đồng thời ông bà cũng nói là sau khu đất rộng lớn đó là khu nhà của nông dân sinh sống trên những cánh đồng chạy dài đến khu nhà của ông bà. Phía trước khu đất rộng, bên kia đường có một cái đình mà tôi không biết tên vì nơi đó không có ánh đèn. Phía trước đình có một cái phông tên nước mà giờ này vẫn còn nhiều người đang hứng nước. Đi thêm một quãng nữa tôi đã đến chợ Phú Nhuận. Giờ này thì dĩ nhiên là chợ cũng không còn buôn bán nên vắng tanh và tối thui.

Từ chợ đến cầu Kiệu, hai bên đường là hai dãy nhà lá, nhà tôn lẫn lộn và không có căn nhà nào có tầng lầu. Phía sau những căn nhà đó cũng là những cánh đồng ruộng lênh láng nước.

Bất chợt tôi nhìn về phía xa xa nơi mà đã ba đêm có người con gái cùng tôi trên chiếc xe thổ mộ. Nơi đó hiện có vài căn nhà có ánh đèn hắt ra, dĩ nhiên chỉ là đèn dầu. Tôi nghĩ người con gái có lẽ giờ này cũng đang ngồi đâu đó trong căn nhà ở khu đó. Nhìn đồng hồ thấy đã gần đến giờ nên tôi quay trở lại ngã tư Phú Nhuận.

Từ xa tôi đã thấy chiếc xe thổ mộ đậu sẵn tự bao giờ. Người xà ích có lẽ quá mệt trong một ngày lao động nên ông nằm ngã lưng ra sàn xe và chân này gác lên lên chân kia còn cánh tay phải đang vắt ngang trán. Người xà ích già đang nhắm mắt ngủ hay ông đang suy nghĩ về số phận của một con người? Con ngựa thì thỉnh thoảng co cái chân lên một chút rồi nhịp nhịp xuống mặt đường như thể nó đang bực bội vì phải đứng yên một chỗ.

Tôi không muốn làm mất sự yên tĩnh của người xà ích nhưng tôi phải tằng hắng vài cái để cho ông biết là tôi đã đến. Thật ra thì tôi cũng không muốn người con gái phải đứng một mình chờ xe lâu trên quãng đường quá vắng vẻ.

Đêm nay, với bao sự háo hức mong đợi được gặp lại người con gái đi cùng trên chiếc xe trong mấy đêm qua thì, chiếc xe thổ mộ đã bình thản chạy qua địa điểm nơi có người con gái vẫn thường đứng đón mấy đêm trước. Tôi cảm thấy hụt hẫng, cảm thấy buồn như vừa bị ai đó cướp đi một vật quý giá. Tôi quay nhìn ông xà ích nhưng gương mặt của ông vẫn bình thản như những ngày qua. Ông cầm dây cương và mặt thì nhìn thẳng về phía trước như không cần phải thắc mắc làm gì đến việc thiếu vắng một người khách quen đêm nay.

***

2Một tuần lễ đã trôi qua. Ba mẹ tôi như đã thấy tôi không được bình thường nhưng cả hai người vẫn không hỏi. Các em nhỏ mà tôi đang dạy kèm cũng không còn thấy thích thú những câu chuyện mà tôi kể nữa. Những câu chuyện không đầu không đuôi và thường thì tôi kết thúc bằng một câu: “Ngày mai anh kể tiếp” làm cho tụi nhỏ không vui.

Đêm hôm nay khi tôi vừa ra đến chiếc xe thổ mộ thì trời cũng vừa bắt đầu rơi những giọt mưa thật nhẹ xuống trần gian. Những giọt mưa đầu mùa. Tôi bước uể oải lên xe và ngồi co chân trong lòng xe vì tôi không muốn đôi giầy đang mang bị ướt. Tôi dựa đầu vào thành xe và nhắm mắt lại. Tiếng vó ngựa vẫn nhịp đều trên mặt đường cái âm thanh nghe quen tai mà mọi khi tôi rất thích nhưng đêm nay tôi cảm thấy cái âm thanh đó nó làm phiền tôi vô cùng.Tôi muốn nhắm mắt để suy tư. Chiếc xe ngựa bỗng từ từ giảm tốc độ làm cho tôi giựt mình và ngồi thẳng người lên. Tôi ngoái cổ nhìn về phía lề đường vì biết chắc người xà ích cho con ngựa giảm tốc độ để đón người khách mà tôi đang mong đợi. Tôi đang vui mừng quá đỗi ở trong lòng. Vui như lúc còn bé thấy mẹ đi chợ về vì biết chắc sẽ được mẹ cho một món quà.

Cô nàng có vẻ lúng túng vì không biết phải ngồi như thế nào vì trời đang mưa thì, tôi đã lẹ làng ngồi ra phía ngoài như tôi vẫn thường ngồi. “Ứớt một chút thì đã có sao chứ.” Khi người xà ích chuẩn bị cho con ngựa cất vó lên chạy thì cô nàng lên tiếng nói khơi khơi như là nói cho người xà ích và tôi cùng nghe:

– “Cả tuần nay… bị cảm mà bây giờ lại gặp mưa nữa… Xui xẻo quá!”

Ôi chao, giọng nói của cô nàng nghe sao mà nhẹ nhàng sao mà vi vút giống cơn gió nhẹ thoảng qua. Giọng nói sao mà… ngọt còn hơn cả mật ong cả mía hấp nữa; tuy là cô nàng đang bị cảm như cô nàng vừa cho biết.

Tôi quay nhìn qua phía cô nàng nhưng cô nàng đang hướng mặt nhìn về phía trước. Cơ hội đang có. Dịp may sẽ không đến… nhiều lần nếu tôi không lên tiếng về những gì đã ấp ủ trong lòng cả tuần qua thì sợ sẽ không còn dịp nữa. Và, thế là tôi hít một hơi cho vào đầy lồng phổi rồi… rụt rè lên tiếng nói:

– ‘Cô… cô nên cầm theo cái áo mưa…”

Rõ ràng là tôi vừa nói ra một câu thật hết sức vô duyên. Chính tôi cũng không ngờ là có một cơn mưa bất chợt như đêm nay để đem theo áo mưa thì làm sao cô nàng biết trước được để mang theo chứ. Nhưng, thật may mắn là cô nàng lại nở nụ cười và nói:

– “Em… cũng không ngờ đêm nay lại có mưa.”

Tôi nhìn cô nàng và muốn mở miệng ra nói, nói bất cứ chuyện gì nhưng cái hột thị quái ác nó cứ nằm ngay cổ họng làm tôi cứ trơ hai con mắt ra mà nhìn cô nàng để trong lòng xao xuyến mà vẫn không biết nói gì.

Cô nàng có nụ cười quá xinh với hai hàm răng thật trắng và thật đều. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường hắt vào trong xe làm cho gương mặt của cô nàng thoáng ẩn thoáng hiện trông thật thanh tú và thật huyền ảo vì hai hàm răng cứ nổi lên màu trắng tinh. Tôi không biết cách nào để bắt chuyện nên hai bàn tay cứ hết chắp vào với nhau rồi lại xoa xoa vào với nhau như thể là đang bị lạnh vậy.

Sự im lặng thật dài, thật lâu, chỉ nghe tiếng vó ngựa gõ đều đều trên mặt đường giữa đêm khuya vang lên. Phút chốc chiếc xe thổ mộ đã lên đỉnh cầu và đang đổ dốc. Người xà ích đang ghìm cương để chiếc xe từ từ dừng lại. Tự nhiên tôi buột miệng:

– “Cô hãy đi mau về nhà kẻo ướt. Tôi xin được trả tiền xe đêm nay giúp cô.”

Một lần nữa, cô nàng nhìn tôi và nở nụ cười thật tươi đồng thời cô nàng cũng lí nhí câu cám ơn rồi bước lẹ xuống những bực thềm dẫn vào khu nhà tối tăm không có đến một chút ánh sáng chiếu rọi đến.

Ba má tôi đang ngồi chờ đón tôi trong phòng khách như mọi khi và, tôi thoáng thấy ánh mắt của cả hai người lộ lên nét ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi vừa đi vừa huýt sáo một bài hát thật vui nhộn.

***

– “Thưa cô, tôi xin phép được…”

Tôi vừa đi qua đi lại trong phòng ngủ vừa làm điệu bộ nghiêng mình về phía trước và nói như thể cô nàng đang đứng trước mặt tôi vậy. Nhưng, tôi chợt nhận ra là làm như vậy không được vì khi xe thổ mộ ngừng là cô nàng bước lên xe ngay trong khi tôi vẫn còn đang ngồi thì không thể nghiêng mình được. Có lẽ cô nàng cũng… có để ý, có cảm tình với tôi nên cô nàng đã đồng ý cho tôi trả tiền cuốc xe. Tôi… tự hứa với lòng là sẽ mạnh dạn trong lần gặp đêm nay.

Từ phía xa tôi đã nhìn thấy cô nàng đứng ngay chỗ đón xe mỗi đêm và tự nhiên trái tim tôi cứ đập lên liên hồi và đập thật mạnh. Cô nàng nhìn tôi gật đầu và đồng thời cũng ban phát cho tôi một nụ cười. Mãi một lúc sau tôi mới mở được miệng ra nói:

– “Có lẽ… cô cũng đi dạy ở gần chỗ cô đứng đón xe?”

– “Dạ đúng vậy. Sao… anh biết hay vậy?”

– “Tôi chỉ đoán vậy thôi vì… vì… tôi cũng dạy kèm cho bốn đứa trẻ ở khu ngã tư Phú Nhuận. Tôi tên Nam.”

– “Ô, vậy ra em và anh Nam có cùng một công việc. Mình là đồng nghiệp anh Nam há.”

– “Nhà em ở…  ở dưới đó hả?”

– “Dạ, xuống hết mấy bậc thềm rồi quẹo phải sau đó quẹo trái đi theo mé sông đến căn nhà cuối cùng là nhà của em. Em sống với ba vì mẹ em mất lâu rồi. Ban ngày em đi may tới chiều mới về. Ăn cơm xong nghỉ một chút là em  lại đi đến gần chỗ mà em thường đứng đón xe. Em dạy kèm cho hai em bé gái. Em tên Thơm.Tới nơi rồi, em về nhé. Hẹn anh Nam đêm mai. Cám ơn anh Nam đã trả tiền xe cho em hôm qua. Hôm nay anh Nam để em được tự trả nghe.”

– “Không đáng bao nhiêu Thơm à. Em cứ đi về đi. Chúc em ngủ ngon… em nhé.”

– “Cám ơn anh Nam nhiều lắm. Em… cũng muốn mời anh Nam đến nhà em cho biết nhưng… em ngại vô cùng vì nhà em nghèo quá sợ anh…’

– “Được em mời đến nhà là quý lắm rồi. Gia đình anh cũng đâu phải thuộc loại giàu có sang trọng gì mà dám chê em.”

– “Vậy anh cứ hỏi trước… ông xe ngựa xem có chịu chờ để đón anh về không thì đêm mai em mời anh đến nhà uống ly nước cho biết nhà em. Thôi bây giờ em về nghen. Chúc anh Nam ngủ ngon.”

***

Tôi lẽo đẽo đi theo sau Thơm như cái bóng. Vì đường đi quá tối nên Thơm vừa vấp vào một vật gì đó nằm trên đường và như muốn ngã chúi về phía trước nhưng, tôi đã nhanh tay đỡ được Thơm. Thân thể người con gái chạm vào tay tôi rồi chuyền qua tôi một cảm giác lạnh buốt. Tôi thấy thật ái ngại cho nàng. Vì sao đêm hôm khuya khoắt như thế này mà nàng lại không cầm hờ theo cái áo lạnh khi mà nàng đã trải qua một cơn bệnh kéo dài cũng cả tuần lễ. Tôi vừa nhớ lại là mấy đêm vừa qua Thơm thường hay ngồi co ro và ôm sát chồng sách vào lòng như để cho hơi ấm không thoát được ra. Tôi nghĩ và thấy thương Thơm nhiều hơn. Tôi nghĩ là tôi sẽ tặng nàng cái áo ấm thật đẹp vào đêm mai.

Đi hết một dãy nhà khoảng tám căn mà mỗi căn cách nhau cũng có gần hai mươi thước, thì Thơm dừng chân trước một căn nhà ở cuối dãy. Căn nhà khá nhỏ được che chắn chung quanh bằng ván cây mỏng và nóc nhà thì lợp lá. Thơm đẩy nhẹ cánh cửa rồi gật đầu với tôi ra hiệu và bước hẳn vào bên trong. Gần ngay cửa ra vào có đặt một cái bàn nhỏ, trên bàn đặt một cây đèn dầu cũng nhỏ đang leo lét cháy. Kế bên cái đèn là bình nước với bốn cái ly nhỏ và được đựng chung trong một cái dĩa bằng nhôm. Sau cái bàn là cái giường được che chắn bởi một tấm màn màu trắng. Phía bên trái là nhà bếp. Cạnh cái bếp có treo một cái võng và trên đó có một người đàn ông đang nằm mà tôi đoán là ba của Thơm. Thơm lên tiếng khi người đàn ông bỏ chân xuống khỏi cái võng.

– “Con mời anh Nam ghé thăm nhà mình cho biết. Anh Nam là người đã trả tiền xe cho con mà con đã có kể cho ba nghe rồi đó.”

Tôi không thấy rõ được mặt ba của Thơm vì ánh đèn dầu không đủ soi sáng khắp căn nhà. Tôi khoanh tay lại và gật đầu chào.”

– “Chào bác ạ.”

Thơm nói:

– “Anh ngồi xuống đó đi. Em pha trà anh uống cho ấm nhé. Em bị lạnh quá. Em sợ bị bịnh quá anh Nam à.”

Tôi nói để xác nhận với Thơm:

– “Người em lạnh lắm. Lạnh cứ như là… nước đá vậy. Em đi làm đêm mà ăn mặc như vậy dễ bị bịnh lắm.”

– “Em định tới đầu tháng này sẽ mua một cái áo lạnh thật dầy chứ mỗi đêm cứ như vầy thì sợ sẽ không kéo dài được lâu.”

Niềm cảm xúc trổi dậy trong lòng tôi vì Thơm nghèo nhưng thật thà quá. Thơm nói chuyện thật tự nhiên và rất thân tình.

– “Mời anh Nam uống ly nước cho ấm.”

Tôi đón ly nước từ tay Thơm. Bàn tay của nàng tuy đang cầm ly nước nóng vậy mà cũng lạnh buốt. Uống cạn hết ly nước thì tôi cảm thấy trong người nóng ran lên như có cả một ngọn lửa đốt bên trong và cái đầu thì nặng như bị đeo chì. Còn hai con mắt thì nhìn căn phòng như thấy nó đang bị chao qua đảo lại. Người tôi bỗng đổ sang một bên nhưngThơm đã kịp đỡ lấy tôi và dìu tôi lại giường. Tôi nghe rất rõ tiếng của Thơm hỏi nhưng tôi lại không thể trả lời được:

– “Anh nằm xuống đây nghỉ trong chốc lát. Anh có làm sao không anh Nam?”

– ……

– “Người anh lạnh quá. Để em ôm anh một lúc là anh sẽ ấm lại ngay thôi.”

Tôi tuy mệt nhưng vẫn nghe câu nói của Thơm thật rõ ràng. Tôi không tin là mình vừa nghe được câu nói đó từ Thơm. Tôi cố nhướng hai con mắt lên để nhìn Thơm cho rõ mà miệng tôi lúc này thì như đã bị đóng cứng lại.

Thân hình lạnh như tảng nước đá của Thơm đang ôm chặt lấy tôi. Thân hình trắng nõn không còn một mảnh vải che thân. Thơm đang ôm tôi nhưng bàn tay của nàng lại thoăn thoắt cởi bỏ tất cả những gì trên người tôi ra.Trong cơn ngây ngất đê mê tôi đã ôm chặt lấy Thơm và nói với nàng những lời xuất phát tự con tim đang yêu say đắm:

– “Thơm ơi, người em lạnh quá. Để anh ôm cho em ấm nhé. Anh… anh yêu em anh muốn được chung sống với em. Anh muốn được chung sống với em suốt đời.”

Thơm siết chặt tôi hơn và thì thầm bên tai tôi những lời như là lời nguyền mà suốt cả cuộc đời tôi không bao giờ quên được:

– “Hôm nay là ngày mười ba tháng chín năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy. Đêm nay em sẽ trao cho anh cái quý nhất của đời em. Sáng mai đây hai đứa mình phải tạm thời xa nhau. Nhưng, những ngày xa em sẽ không có một cô gái nào đến chung sống với anh được lâu dài vì, rồi em sẽ đến đón anh về chung sống với em vĩnh viễn. Em sẽ đến trước một tháng để báo cho anh biết và em cũng sẽ đến với chiếc xe thổ mộ; chiếc xe mà hằng đêm ba em vẫn thường đưa anh về nhà.”

Tôi hốt hoảng khi nghe Thơm nói người xà ích là ba của Thơm. Tôi cảm nhận được là Thơm đang chủ động làm tình với tôi vì tôi cũng đạt đến khoái cảm tột cùng. Sau đó tôi chìm vào giấc ngủ thật sâu.

***

Ba tuần sau tôi trở lại khu đất hoang. Khu đất có vài ba ngôi mộ vô chủ mà người ta đã nhìn thấy tôi nằm bất tỉnh mê man và đã cứu tôi. Một người dân sống gần khu đất đó đã nói cho tôi nghe về những ngôi mộ vô chủ kia:

– “Cô Thơm thì tôi không biết, vả lại ở đây hiện giờ cũng không có ai làm nghề thợ may cả. Nhưng, ở chỗ có những cái mộ hoang đó thì vào khoảng vài năm trước cũng có một căn nhà chỉ có hai cha con sinh sống với nhau. Người cha làm nghề chạy xe thổ mộ. Người con gái thì làm nghề may. Nhưng tôi không biết tên là gì. Tôi nghe những người trước kia cư ngụ ở đây kể lại rằng: một ngày kia có một bọn lính Nhật đến đây và chúng toan hãm hiếp cô thợ may nhưng cô ấy đã tự tử bằng cây kéo tự đâm vào ngực.Vừa lúc đó người cha đi làm về và không hiểu tại sao tụi lính Nhật lại đâm người cha chết luôn rồi bọn chúng đốt căn nhà với hai cái xác bên trong. Căn nhà đang cháy dở dang thì một cơn mưa đổ xuống và làm tắt đám cháy. Người dân ở đây tìm thấy xác chết của hai cha con nhưng chưa bị cháy hết nên đã chôn ngay tại chỗ căn nhà đó, ngay đúng chỗ mà cậu đã bị trúng gió và nằm qua đêm.”

***

Tôi biết thời gian của tôi chẳng còn bao lâu nữa tôi sẽ từ giã cuộc sống ở cõi tạm này. Lúc mới thấy lại chiếc xe thổ mộ trong quán café tôi đã quá sợ hãi. Nhưng, bây giờ thì tôi đã hoàn toàn bình tâm và đã sắp xếp mọi chuyện đâu vào đó cả rồi. Tôi vui mừng chờ đón điều sẽ phải xảy đến và trong khi chờ đợi, mỗi ngày tôi vẫn đều đặn đến quán café một lần.

Có một điều chắc chắn là chỉ có một mình tôi là người sung sướng nhất trên quả địa cầu này. Tôi xác định như vậy vì chỉ còn mười ba ngày nữa là tôi sẽ được người đẹp – rất đẹp – đến đón tôi về chung sống với nàng.

Bảy mươi tám tuổi rồi. Đến tuổi này mới chết thì xem ra cũng là thọ lắm rồi. Hơn nữa khi chết tôi lại được đến sống ở một thế giới khác với người yêu tôi, dù rằng tất cả mọi người luôn xem những người ở thế giới bên kia – nếu hiện ra cho ta thấy – đều là ma cả. Ngoại trừ người thân thích ruột thịt của mình thì không./.

ToPa ( Hòa-Lan )

Quảng cáo/Rao vặt

Leave a Reply

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.