“Hương Tràm Trà Tiên” Bài 7: Núi Mo-So: Tora Bora Việt Nam, quân y viện của Nguyễn Tấn Dũng – hoànglonghải

1Trong thời kỳ chính quyền trung ương ở Saigon lo đảo chánh hơn lo đánh giặc, toàn bộ vùng Hà Tiên – Rạch Giá, phía Quốc Gia chỉ còn giữ được những cái lõm: các thị trấn Hà Tiên, Kiên Lương, các xã lỵ Vàm Rầy, Tri Tôn (thuộc xã Tín Đạo), Sóc Soài, Sóc Sơn, Rạch Giá…

Vùng nào ở chết vùng đó, đường qua lại với nhau rất khó khăn. Từ nhà máy Kiên Lương đi Saigon và ngược lại, có máy bay mỗi tuần ba lần của Hãng Ximăng Hà Tiên. Hà Tiên đi Rạch Giá thì dùng tàu đánh cá hoặc tàu biển. Chỉ có trực thăng là phương tiện tiện lợi nhất, nhưng phải xin quá giang bên Biệt Khu 44.

            Vùng Kiên Lương, ngoại trừ khu vực nhà máy, chi khu và quận, đóng gần nhau thì chưa bị Việt Cộng chiếm, còn toàn bộ khu vực chung quanh như Chùa Hang, hòn Phụ Tử, núi Hòn Chông, (nơi nầy ngày xưa là căn cứ của anh hùng Nguyễn Trung Trực), hoàn toàn bị Việt Cộng chiếm cứ.

Linh mục Lương Công Đại, mới qua đời ở Mỹ, hồi ấy là linh mục họ đạo ấp Rạch Đùng, Hòn Chông, thuật lại những khó khăn của ông hồi ấy, khi xứ đạo của ông bị Việt Cộng chiếm. Việt Cộng tổ chức biểu tình đá đảo “Mỹ Ngụy Dương Văn Minh”, gọi ông lên phát biểu. Ông cũng phải nói chung chung cho có nói, không thì Việt Cộng bắt tội. Sở dĩ Việt Cộng không bỏ tù ông vì Hòn Chông là một họ đạo lớn, trước 1945, ở đây có một nhà giòng tu lớn, giáo dân khá đông, nên cũng giống như họ đạo An Hòa (núi Trầu), Việt Cộng chưa bắt mấy ông linh mục đi tù.

            Trục lộ 8A Rạch Giá – Hà Tiên là con đường song song với đường giây 1-C của Việt Cộng. Cộng Sản cần sự tiếp tế của dân chúng sống trên trục lộ nầy, nên chúng không dại gì chiếm cứ hoàn toàn các xã lỵ, quận lỵ nằm trên trục lộ. Nguồn lợi của đồng bào là đốn tràm, làm ruộng, bắt cá đồng. Những nguồn lợi nầy nằm trong vùng Việt Cộng kiểm soát. Đồng bào muốn khai thác những nguồn lợi ấy, phải làm giao liên hoặc đóng thuế, tiếp tế cho Việt Cộng. Vào rừng đốn tràm, làm cá, làm ruộng, phải đóng thuế hay tiếp tế, gạo, bột ngọt, thuốc rê, thuốc tây, v.v…  Tiêu diệt hết những cái lõm dân chúng theo trục lộ, các xã, các ấp thì Việt Cộng mất đi nguồn tiếp tế rất cần thiết. Về phía chính quyền Quốc Gia cũng theo dõi, bắt bớ những ai có hoạt động liên hệ tới Việt Cộng. Đúng là người dân một cổ hai tròng. Trong cuộc sống nghèo khổ, kinh tế không phát triển, cuộc sống cơ cực, đời sống dân chúng khó khăn biết chừng nào!

            Do tình hình co cụm của phía Quốc Gia như thế, Việt Cộng dời quân y viện của chúng từ trong rừng tràm về núi Mo-So. Rừng tràm bốn mùa ngập nước, khí hậu ẩm thấp, tiếp tế khó khăn nên đặt quân y viện ở núi Mo-So tương đối tốt hơn nhiều.

            Núi Mo-So nằm kế cận quận lỵ Kiên Lương, khoảng giữa quận lỵ và Hòn Chông, cách quận lỵ khoảng gần 10Km. Đó là một ngọn núi đá vôi trong hàng trăm ngọn núi đá vôi ở vùng nầy như núi Nai, núi Còm (hiện nhà máy ximăng Kiên Lương đang khai thác đá ở núi nầy), núi Trầu, v.v… Cạnh núi Mo-So, có một con kinh nhỏ, kinh 1, nối liền với kinh Kiên Lương ra biển tới Hòn Chông. Về mùa nước nổi, kinh nầy có nước ngọt, Việt Cộng xử dụng được. Dùng nước mưa, với một số lượng đông người, không thế nào đủ. Hơn nữa, tới cuối mùa mưa, Việt Cộng vẫn còn có thể hứng nước mưa ở những thạch nhũ để dùng.

            Những núi đá vôi ở trên thường có nhiều hang động. Thời chiến tranh 1945-54, Việt Cộng đặt công binh xưởng trong những cái hang ở núi Trầu. Trong cuộc chiến tranh 1960-75, lực lượng Quốc Gia mạnh hơn, hoạt động hữu hiệu hơn, Việt Cộng không dám bén mảng tới núi Trầu. Nghĩa quân rào kẽm gai và gài lựu đạn tất cả những cửa hang để đề phòng Việt Cộng vào ẩn núp trong những cái hang của núi đó.

            Núi Mo-So cũng nhiều hang động như vậy, hang nầy thông với hang kia, như hang chuột, mở ra nhiều cửa. Việt Cộng lập quân y viện của huyện đội Hà Tiên ở đây. Dĩ nhiên, lúc đó Nguyễn Tấn Dũng chưa tới 18 tuổi, theo Việt Cộng đã mấy năm, không còn làm du kích mà lên được chức y tá hay y sĩ gì đó.

Gọi là quân y viện nhưng nó có ra hồn gì đâu! Giường là những cái sạp làm bằng cây, bằng tre. Gặp chỗ hang hơi rộng thì để hai giường, chỗ hẹp thì chỉ có một giường. Tất cả không tới ba chục giường bệnh. Cũng có phòng mổ, khi mổ thì giăng mùng lên ngăn ruồi muỗi. Chỉ có bị thương nặng mới được đưa về đây, còn như bị thương nhẹ, cảm sốt, thương hàn thì điều trị tại chỗ, tại đơn vị của họ. Bác sĩ, y sĩ, y tá chỉ có mấy ngoe, tốt nghiệp “Viện Đại Học Y Khoa Cục R”, một tháng thành y tá, ba tháng thành y sĩ, lâu ngày lên bác sĩ. Giả như hồi ấy không phân chia vùng Quốc Gia với Cộng Sản, sự liên lạc dễ dàng thì quân y viện nầy sẽ được giấy khen hay thư cám ơn của hãng Tobia hay Vạn Thọ, là các hãng lo việc ma chay ở Saigon.

Lực lượng Quốc Gia tấn công vào bệnh viện nầy nhiều lần để đuổi chúng đi nhưng không có kết quả. Địch phòng thủ trên núi đá, sau những tảng đá lớn, lại ở cái thế từ trên cao bắn xuống, rất chính xác. Lực lượng phía ta thì từ dưới đánh lên, quan sát địch đã khó, súng nhắm ngược lên khó trúng đích, quăng lựu đạn cũng khó khăn, chưa kể miểng đá văng xuống cũng dễ trúng đầu người ở dưới.

            Đánh mãi không được, cố vấn Mỹ của chi khu bàn thảo và đề nghị kế hoạch.

            Vì hồi ấy có lẽ cô Dương Nguyệt Ánh mới sinh, nên chưa có loại bom cô sản xuất để đánh bọn Taliban ở núi Tora Bora bên Afghanistan. Núi Mo-So không lớn như Tora Bora, nhưng địa thế cũng giống như thế nên không có cách chi đánh đuổi Việt Cộng ra khỏi núi. Bấy giờ cố vấn Mỹ thấy Việt Nam thiếu điều kiện nên đứng ra lo việc tấn công Cộng Sản ở Mo-So.

Chiến thuật của Mỹ cũng chẳng có gì mới mẻ, chỉ là dùng hỏa công như trong thời Tam Quốc bên Tàu vậy. Khác một điều, hỏa công ngày xưa là dùng tre, lá, cây, củi, v.v… Bây giờ thì dùng xăng. Mỹ cho máy bay Chinook chở đến phi trường An Bình của nhà máy ximăng Kiên Lương, sát bên cạnh trụ sở quận hàng mấy trăm “phuy” xăng. Xong, Mỹ cho trực thăng dùng lưới mỗi lần câu khoảng 10 “phuy” xăng, bay tới trên đầu núi Mo-So thì thả cho tất cả các “phuy” xăng rơi xuống. Khi các “phuy” xăng chạm núi đá vở bung ra, tràn xuống các cửa hang; một trực thăng khác phóng hỏa tiển tới, xăng cháy bùng lên. Mỹ cứ liên tiếp một ngày đánh hỏa công những mấy bận như vậy, riết rồi Việt Cộng không còn ở trong hang được nữa. Ban ngày thì lửa cháy rần rần ngoài cửa, có khi xăng chảy lan vào cháy ở phía trong, khói lên mù mịt. Đêm tối mới dám ra khỏi hang, không biết lính phe ta núp ở đâu để tránh, không ít lần bị phục kích, bị giết, bị thương. Cuối cùng, Nguyễn Tấn Dũng theo quân y viện trốn khỏi núi Mo-So.

            Sau nhiều lần quan sát, ban ngày dùng ống nhòm, ban đêm dùng hồng ngoại tuyến, chẳng thấy “anh Việt Cộng” nào nữa. Cả Nguyễn Tấn Dũng cũng “tam thập lục kế” rồi. Chúng đã trốn đi, chi khu bèn cho hai trung đội nghĩa quân tiến vào, chiếm lại núi Mo-So, bít hết các cửa hang, chỉ chừa một cửa phía ngó ra chi khu, cho một trung đội nghĩa quân đóng ở đấy. Từ đó cho đến ngày “đứt phim”, Việt Cộng không dám quay trở lại núi Mo-So.

            Suốt thời gian Mỹ dùng xăng để tấn công núi Mo-So, hàng mấy trăm “phuy” xăng để trong phi trường An-Bình. Lính Mỹ canh gác cũng dễ tính nên phía ta có mấy anh cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, Cảnh Sát bèn lân la làm quen với mấy chú GI canh giữ kho xăng, biếu cho mấy chú GI ít quà ăn vặt, ít chai Coca ướp đá, v.v… Thế là mấy chú GI làm lơ cho mỗi người lăn một vài “phuy” xăng đem bán cho cây xăng ông Chín Vĩnh.

Hễ khi trời tối, mấy thầy chú vào phi trường lăn “phuy” xăng ra bán. Nhờ vậy nên mấy chú có tiền may quần áo mới. Tiếng “phuy” xăng lăn trên đường nhựa  rầm rầm, dân chúng ai cũng biết. Dân chúng biết vậy rồi thấy mấy thầy chú mặc quần áo mới, nên gọi đùa là quần áo “Li-Phăng”, nghe tương tự như vải Nilfrank bán ở chợ vậy. Tuy nhiên, “Li-Phăng” ở đây chẳng có nghĩa Tây Tàu gì cả. Li-Phăng nói lái là “lăng phuy”. Nhờ lăn mấy “phuy” xăng mà có tiền may quần áo mới mặc chơi.

hoànglonghải

(xem tiếp bài 8)

Quảng cáo/Rao vặt

Leave a Reply

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.